Chứng khoán châu Á nhuộm sắc đỏ do đà bán tháo tiếp diễn

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 21/12 trong bối cảnh nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu tăng chậm lại.

Hợp đồng tương lai E-Mini của chỉ số S&P 500 khu vực châu Á đã giảm 0,25% trong phiên giao dịch này. Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản cũng sụt 0,6%.
 Thị trường chứng khoán châu Á giảm mạnh trong ngày 21/12.
Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hạ 1,8% và ghi nhận mất hơn 6% trong tuần này. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán của Australia giảm 1%, chạm mức thấp nhất 2 năm.
Các cổ phiếu blue-chip tại thị trường Trung Quốc cũng giảm 1,2% sau khi Mỹ cáo buộc tin tặc Trung Quốc tấn công 12 nước và đánh cắp bí mật thương mại. Hai công dân Trung Quốc vừa bị buộc tội tấn công mạng máy tính của nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp Mỹ, trong đó có Hải quân Mỹ  và cơ quan vũ trụ NASA.
Trước đó, thị trường chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ trong phiên giao dịch ngày 20/12 do chịu tác động từ chủ trương tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và khả năng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần.
Thị trường chứng khoán Mỹ có thêm một phiên giảm mạnh trong phiên này, với chỉ số Nasdaq giảm 19,5% so với mức đỉnh trong tháng 8, thiếu chút nữa rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market, hay còn gọi là thị trường gấu).
Chỉ số S&P 500 đang hướng đến quý tồi tệ nhất sau những phiên lao dốc tệ hại trong quý cuối cùng năm nay, chứng kiến mức sụt giảm tới 15%.
Vào thời điểm chạm đáy của phiên giao dịch, Nasdaq mất 2,85%, khiến chỉ số thấp hơn 20% so với mức đóng cửa kỷ lục hôm 29/8. Sau đó, Nasdaq thu hẹp mức giảm và thoát khỏi trạng thái "thị trường gấu", nhưng vẫn cùng hai chỉ số Dow Jones và Nasdaq kết thúc phiên trong trạng thái "đỏ lửa".
Trong một bằng chứng cho thấy tâm lý bi quan ngày càng lớn tại thị trường chứng khoán Mỹ, các quỹ tương hỗ và giao dịch hoán đổi (ETF) dựa trên chứng khoán Mỹ đang tiến tới hoàn tất tháng bị rút vốn mạnh chưa từng thấy, theo dữ liệu của Lipper.
Trong tuần gần đây nhất, các nhà đầu tư đã rút ròng 34,6 tỷ USD khỏi các quỹ này đặt tại Mỹ.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ hôm 19/12, FED dự định duy trì chính sách tăng lãi suất và bán ra tài sản trong 2 năm tới. Điều này khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại, bởi trước đó thị trường đã bị phủ bóng bởi nỗi lo về sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.
Chứng khoán Mỹ lao dốc trong ngày 20/12.
Michael McCarthy - chiến lược gia trưởng về thị trường tại CMC, nhận xét: "Sự bán tháo từ phiên trước đã tiếp nối ở phiên này. Thị trường đang lo về việc FED bán tài sản".
Bên cạnh đó, tâm lý của nhà đầu tư càng trở nên bất an về khả năng đóng cửa một phần Chính phủ Mỹ. Tổng thống Donald Trump ngày 20/12 nói với lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ rằng ông sẽ không ký một dự luật chi tiêu chính phủ, vì dự luận này không cấp đủ ngân sách cho vấn đề an ninh biên giới.
Theo chuyên gia kinh tế Elliot Clarke của Westpac, yếu tố bất ổn chính trị tại Washington đang làm gia tăng sự không chắc chắn của thị trường cổ phiếu.
Chốt phiên, Dow Jones giảm 1,99%, còn 22.859,6 điểm. S&P tụt 1,58%, còn 2.467,42 điểm. Nasdaq giảm 1,63%, còn 6.528,41 điểm.
Trên thị trường tiền tệ thế giới, tỷ giá đồng USD đã giảm 1,1% so với đồng yen Nhật, xuống còn 110,80 yen, chạm đáy 3 tháng.
Chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống còn 96,389 điểm sau khi lao dốc mạnh nhất trong 2 tháng ở phiên trước đó.
Trong khi đó, đồng euro đi ngang ở mức 1 euro đổi được 1,1455 USD sau khi nhảy vọt lên mức cao nhất trong hơn 6 tuần lên 1,1485 USD trong phiên 20/12.