Chứng khoán châu Á sụt mạnh sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu tại thị trường châu Á lao dốc chạm đáy 5 tuần trong phiên 7/5 do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang trở lại.

Chứng khoán châu Á chạm đáy 5 tuần do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang
Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc, xuống gần mức thấp nhất trong 5 tuần trong phiên 7/5 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, lại làm dấy lên lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Thị trường chứng khoán Nhật Bản bắt đầu mở cửa trở lại sau đợt nghỉ lễ kéo dài 10 ngày.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu khu vực châu Á-Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản đã giảm 0,2% xuống mức thấp nhất trong 5 tuần.
 
 Thị trường chứng khoán châu Á lao dốc trong phiên 7/5.
Chỉ số Nikkei tại thị trường Nhật Bản lao dốc tới 1,1% xuống 22.006,58 điểm sau khi đóng cửa ngừng giao dịch 10 ngày nhân dịp Nhà vua Nhật Bản tổ chức lễ đăng cơ.
Chỉ số chứng khoán tương lai S&P 500 tại thị trường châu Á cũng mất 0,7% trong phiên này sau khi các quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ cho biết Trung Quốc đã rút lại  các cam kết đưa ra trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bình luận của các quan chức Nhà Trắng được đưa ra sau khi thị trường tài chính toàn cầu quay cuồng trong phiên giao dịch ngày 6/5 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ gia tăng áp lực lên Trung Quốc để đạt được thỏa thuận thương mại song phương, nói rằng ông sẽ tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trong tuần này.
Tuy nhiên, trong một động thái trấn an tâm lý nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, dự kiến ​​Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - nhà đàm phán hàng đầu của nước này, sẽ dẫn đầu một phái đoàn quan chức thương mại cấp cao Bắc Kinh sẽ đến Washington để tiến hành các cuộc đàm phán vào ngày 9 và 10/5.
Yasuo Sakuma - giám đốc đầu tư của Libra Investments tại Tokyo, nhận xét: “Thị trường chứng khoán toàn cầu đã bước vào một đợt giảm điểm mới, khi các nhà đầu tư đang ngày càng nghi ngờ vào khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm đạt một thỏa thuận tiến tới chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng qua.
Theo chuyên gia Sakuma, các nhà đầu tư đã quá tự mãn kể từ đầu năm đến nay và thời điểm hiện tại là thích hợp để đẩy mạnh bán ra.
Trên thị trường tiền tệ, đồng euro đi ngang và hiện ở mức 1 euro đổi được 1,1199 USD.
Tỷ giá đồng USD so với đồng yen Nhật ổn định ở mức 1 USD “ăn” 111,75 yen.
Giới đầu tư đang chờ đợi một quyết định về lãi suất từ ​​ngân hàng trung ương Australia.
Phần lớn các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters hy vọng ngân hàng trung ương Australia sẽ giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục mặc dù các yêu cầu cắt giảm lãi suất đã tăng mạnh hơn sau khi lạm phát quý đầu tiên ở mức đáng thất vọng.
 Phố Wall lao dốc sau tuyên bố của ông Trump
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 6/5, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. 
Tuy nhiên, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã thoát đáy vào thời điểm chốt phiên, khi một số nhà đầu tư xem những gì Tổng thống Mỹ nói là một chiến thuật đàm phán và tin tưởng rằng rốt cục sẽ có thỏa thuận thương mại.
Mặc dù vậy, sau khi thị trường đóng cửa, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ lại sụt giảm.
Nỗi lo của thị trường lại gia tăng sau khi Nhà Trắng tuyên bố việc áp thuế sẽ diễn ra vì Trung Quốc rút lại những cam kết đã đưa ra trước đó và tình hình đàm phán đã chuyển xấu.
 Chứng khoán Mỹ sụt điểm trong phiên 6/5.
Chỉ số S&P 500 tương lai có lúc giảm 0,6% trong phiên giao dịch ngoài giờ, một tín hiệu cho thấy giới đầu tư dự báo thị trường sẽ giảm điểm khi mở cửa phiên giao dịch ngày 7/5.
Cuối phiên giao dịch này, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói chính quyền ông Trump "có thể" ra một thông báo vào ngày 7/5 về kế hoạch nâng thuế quan bổ sung áp lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lên 25% từ mức 10% hiện tại.
Trước đó, viết trên trang Twitter vào hôm 5/5, Tổng thống Trump bất ngờ tuyên bố sẽ nâng thuế đối với hàng Trung Quốc từ ngày thứ Sáu tuần này nếu hai bên không đạt được thỏa thuận nào trước thời điểm đó.
Cảnh báo đánh thuế của ông Trump ngay lập tức châm ngòi cho một cuộc bán tháo trên thị trường tài chính toàn cầu và thổi bùng nỗi lo về sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới..
Trong phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 có lúc giảm 1,6%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm do giá tăng vì nhiều nhà đầu tư mua trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn.
Về cuối phiên, các chỉ số chính hồi phục được phần lớn điểm số mất mát trước đó, do một số nhà đầu tư cố bấu víu vào hy vọng rằng một thỏa thuận thương mại sẽ sớm được ký kết. Nhờ đó, S&P 500 chốt phiên với mức giảm chỉ 0,45%.
Chiến lược gia cao cấp David Lefkowitz của UBS Global Wealth Management, cho biết: "Có vẻ như đó là một chiến thuật đàm phán. Kịch bản chính của chúng tôi vẫn là Trung Quốc và Mỹ tìm được điểm chung. Khả năng là tình hình có xấu đi một chút, nhưng chưa thể khẳng định điều gì sẽ xảy ra".
Đà tăng điểm của nhóm cổ phiếu y tế đã giúp bù đắp sự sụt giảm của những cổ phiếu liên quan đến thương mại. Các nhóm nguyên vật liệu, công nghiệp và công nghệ đồng loạt giảm do nhà đầu tư chuyển vốn khỏi những cổ phiếu có tính chu kỳ và nhạy cảm với tin thương mại.
Cổ phiếu Boeing, công ty Mỹ có kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, giảm 1,3%.
Cổ phiếu Apple, một doanh nghiệp khác có sự phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, giảm 1,5%.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones giảm 0,25%, còn 26.438,48 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,45%, còn 2.932,47 điểm trong khi đó, chỉ số Nasdaq giảm 0,5%, còn 8.123,29 điểm.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 1,45 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,28 lần.
Có tổng cộng 6,45 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công trên các sàn giao dịch Mỹ phiên này, so với mức bình quân 6,62 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần