Kỳ vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung đẩy chứng khoán châu Á tăng điểm

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên giao dịch ngày 22/8, phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á giao dịch khởi sắc theo đà tăng của Phố Wall.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 22/8 trước thềm cuộc đàm phán thương mại được mong đợi giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà đầu tư trong khu vực đặt nhiều kỳ vọng các cuộc đối thoại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới diễn ra trong tuần này sẽ giúp bất đồng thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt.
Bắc Kinh và Washington đã đưa ra các mức thuế đối với hàng tỷ USD hàng hóa của nhau và khiến các thị trường chứng khoán chao đảo. 
 Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều tăng điểm trong phiên 22/8. Ảnh: Reuters
Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,2%, trong khi chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản nhích 0,6%.
Tại thị trường chứng khoán Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng 0,3% nhờ các cổ phiếu công nghệ xanh sau khi dữ liệu cho thấy doanh số xuất khẩu chip tăng trưởng mạnh mẽ.
Trong khi đó, trái ngược lại với xu hướng đi lên của các thị trường khu vực, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải lại giảm 0,7% do các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên thị trường.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng chịu tác động phần nào sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump trước thời điểm diễn ra cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Trả lời Reuters ngày 20/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận phái đoàn đàm phán của Trung Quốc sẽ đến Washington trong tuần này. Tuy nhiên, ông cho biết bản thân không "kỳ vọng quá nhiều" vào kết quả của các cuộc thảo luận này.
Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn ở Australia cũng làm tăng thêm áp lực bán ra tại thị trường Sydney, khiến chỉ số của Australia giảm 0,4%.
Ngày 22/8, Quốc hội Australia đã bỏ phiếu không tán thành dự thảo cắt giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp có doanh thu lớn hơn 50 triệu đô la Australia - một trong những đề xuất cải cách kinh tế quan trọng nhất của Thủ tướng Malcolm Turnbull. Đây là một trong những động thái tiếp theo gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự nghiệp chính trị đang “chao đảo” của Thủ tướng Turnbull do những bất đồng trong nội bộ đảng Tự Do cầm quyền.
"Tình hình bất ổn chính trị đang tiềm ẩn những rủi ro có thể tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Australia", Hugh Dive, Giám đốc đầu tư của Atlas Funds Management tại Sydney, nhận định. "Nếu bạn là một nhà đầu tư nước ngoài, thị trường chứng khoán của Australia sẽ kém hấp dẫn trong thời điểm hiện tại".
Tại châu Âu, các cổ phiếu cũng giảm điểm trong phiên này. Tại thị trường London (Anh), chỉ số FTSE mất 16 điểm; chỉ số DAX của sàn Frankfurt của Đức sụt 20 điểm, và chỉ số CAC của sàn Paris (Pháp) cũng hạ 9 điểm.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/8, chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ các báo cáo lợi tích cực quan trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cùng với sự bình tĩnh tương đối trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.

 Tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: Business Insider

S&P 500 đã tăng gần 0,6% lên mức cao kỷ lục trong phiên là 2,873.23 điểm, vượt mức kỷ lục trước đó 2,872.87 điểm đã xác lập vào ngày 26/01/2018, mặc dù chỉ số này đã khép phiên dưới cả 2 mức trên.

Trên thị trường tiền tệ, đồng USD tiếp tục giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác sau bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với chính sách tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). 
Trong phiên giao dịch ngày 22/8, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tiếp tục giảm 0,05% xuống còn 95,213 điểm.