Chứng khoán châu Á tăng lên gần mức cao nhất 2 tháng

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường cổ phiếu châu Á tăng mạnh trong phiên ngày 5/7 trước khi Mỹ chính thức công bố cáo cáo việc làm phi nông nghiệp.

Chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên 5/7.
Chứng khoán châu Á tiếp tục duy trì đà tăng, gần chạm mức cao nhất trong 2 tháng trong bối cảnh các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu việc làm của Mỹ, báo cáo được Bộ Lao động công bố trong ngày 5/7, có thể thúc đẩy hoặc phá vỡ kỳ vọng của thị trường về chính sách tích cực nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Thị trường tài chính toàn cầu được dự báo sẽ có biến động lớn sau đợt nghỉ lễ Quốc khánh Mỹ 4/7 và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của nước này.
Trên thị trường, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản đi lên và đang trên đà thiết lập mức tăng tuần thứ 5 liên tiếp. Trong phiên giao dịch, chỉ số này đã chạm ngưỡng trên 534,40 điểm, mức cao nhất kể từ đầu tháng 5.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản không thay đổi ở mức 21.695,9 điểm. Chỉ số tương lai của S&P 500 cũng tăng điểm.
Thị trường chứng khoán thế giới đã leo dốc mạnh kể từ tháng 6 với hy vọng các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ hạ lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước áp lực từ căng thẳng thương mại.
Trong phiên giao dịch ngày 5/7, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là báo cáo việc làm tháng 6 tại Mỹ do Bộ Lao động công bố.
Giới phân tích dự báo số việc làm phi nông nghiệp tại Mỹ ​​sẽ tăng 160.000 trong tháng 6, tăng so với con số 75.000 trong tháng 5.
Trong một lưu ý gửi khách hàng, các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết: “Nếu báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy thị trường lao động tăng trưởng yếu, thị trường sẽ gia tăng dự đoán rằng FED cắt giảm 0,50 điểm phần trăm lãi suất đồng USD.
Các nhà giao dịch hiện đang tăng tỷ lệ đặt cược khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 30 - 31/7, trong khi đó, khả năng FED hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm gần như đã chắc chắn.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống mức 96,725 điểm, đang rời xa khỏi mức cao nhất trong 2 tuần thiết lập trong tuần này.
Chỉ số này đã giảm 1,7% trong tháng 6 khi các nhà đầu tư nhận định FED sẽ hạ 0,50 điểm phần trăm.
So với đồng yen Nhật, tỷ giá USD tăng nhẹ lên mức 1 USD đổi được 107,84 yen. Cùng với đó, tỷ giá đồng euro tăng so với USD, hiện ở tỷ lệ 1 euro “ăn” 1,1284 USD sau khi chạm đáy trong 2 tuần còn 1,1268 USD trong phiên ngày 3/7.