Chứng khoán châu Á tăng mạnh nhờ kỳ vọng FED hạ lãi suất

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cổ phiếu châu Á đồng loạt đi lên trong ngày 30/7 khi nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao vào việc cắt giảm lãi suất của FED trong cuộc họp sắp tới.

Chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 30/7 nhờ tâm lý phấn khích của giới đầu tư chuẩn bị đón nhận đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp chính sách tuần này.
FED sẽ thông báo quyết định mới nhất của mình về việc liệu có điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp chính sách ngày 31/7. Chủ tịch FED Jerome Powell cũng sẽ nói về tình trạng của nền kinh tế trong cuộc họp báo chiều ngày 31/7.
 Chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 30/7.
Chỉ số chứng khoán MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,15%.
Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số KOSPI nhích 0,2%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản cộng 0,7%.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán Australia leo dốc 0,7% và đạt mức cao kỷ lục, nhờ đà tăng mạnh của các cổ phiếu ngành khai thác  mỏ và công nghệ ngày hôm trước.
FED sẽ bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày từ 30/7 và  được dự báo ​​sẽ giảm lãi suất đồng USD xuống 25 điểm cơ bản. Nếu quyết định được thực hiện, đây sẽ là lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng trung ương trong một thập kỷ.
Kỳ vọng FED sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy đà phục hồi mạnh của thị trường cổ phiếu toàn cầu, đặc biệt chứng khoán Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng này.
“Hiện nhiều nhà đầu tư cổ phiếu vẫn chưa hoàn toàn đặt niềm tin vào khả năng cắt giảm lãi suất của FED” – chuyên gia kinh tế thị trường mới nổi Kota Hirayama tại SMBC Nikko Securities nhận định về thị trường chứng khoán châu Á.
Tuy nhiên, với kỳ vọng vào quyết định quan trọng của FED, một số nhà giao dịch đã rũ bỏ sự thận trọng và đẩy mạnh mua tài sản rủi ro”, chuyên gia Hirayama nói thêm.
Bên cạnh đó, trong phiên giao dịch này, nhà đầu tư

cũng hướng sự chú ý đến vòng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra tại Thượng Hải trong tuần này, mặc dù kỳ vọng về tiến trình tại cuộc họp này còn rất thấp.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, ổn định ở mức 98,084 điểm sau khi tăng lên 98,165 điểm, chạm đỉnh 2 tháng trong phiên trước đó nhờ vào dữ liệu tăng trưởng GDP của Mỹ tốt hơn mức dự báo.
Nhà đầu tư gia tăng lo ngại về việc Brexit không có thỏa thuận đã đẩy giá đồng bảng xuống mức thấp nhất trong 28 tháng. Tỷ giá đồng bảng Anh hiện được giao dịch ở mức 1 bảng Anh đổi được 1,2210 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2017.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 29/7 do nhà đầu tư thận trọng chờ đợi quyết định cuối cùng của FED và cuộc đàm phán thương mại giữa hai cường quốc kinh tế thế giới.
Theo dự báo, FED sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên trong 1 thập kỷ trong cuộc họp này, sự chờ đợi của nhà đầu tư là mức giảm 0,25% hay 0,5%.
Trong ngày cuối tuần trước, dự báo việc làm của Mỹ trong tháng 7 được công bố với mức dự báo tăng 165.000 việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sau khi tăng 224.000 việc làm trong tháng 6.
 Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 29/7.
Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones tăng 28,90 điểm (tương đương 0,11%), lên 27.221,35 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,89 điểm (khoảng 0,16%), xuống 3.020,97 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 36,88 điểm (tương đương 0,44%), xuống 8.293,33 điểm.
Nhà đầu tư cũng có khả năng theo sát rằng liệu ngân hàng trung ương sẽ phát tín hiệu giảm lãi suất thêm nhiều đợt trong những tháng tới hay không. Các chuyên gia kinh tế chủ yếu dự đoán hạ lãi suất từ 1 đến 3 đợt trong năm nay./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần