Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều
Dữ liệu Chính phủ Trung Quốc công bố ngày 31/5 cho biết chỉ số PMI sản xuất chính thức trong tháng 5/2019 đạt mức 49,4, thấp hơn dự báo 49,9 của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Trong khi đó, chỉ số PMI sản xuất tháng 4/2019 là 50.1.Chỉ số PMI trên 50 ám chỉ sự mở rộng và ngược lại cho thấy sự thu hẹp.
Đối với Trung Quốc, chỉ số PMI nằm trong những chỉ báo kinh tế được nhà đầu tư trên toàn cầu theo dõi sát sao giữa lúc Trung Quốc đang chật vật trước những “cơn gió ngược” trong nước và cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng khốc liệt hơn.
“Chỉ số PMI chính thức cho thấy tăng trưởng vẫn chịu nhiều áp lực, phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng vẫn còn một số rủi ro suy giảm đối với hoạt động trong ngắn hạn”, chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard tại Capital Economics, cho hay.
Chứng khoán Trung Quốc tăng trong phiên giao dịch sớm, với chỉ số tổng hợp Thượng Hải tăng 0,22% và chỉ số Thâm Quyến nhích 0,18%. Chỉ số tổng hợp Thâm Quyến cộng thêm khoảng 0,275%. Tại sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cũng tăng 0,12%.
Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 hạ 0,66% và chỉ số Topix giảm 0,57%. Các nhà sản xuất ô tô sụt giảm trên bảng, với Nissan giảm 3,30% và Toyota giảm 2,21%. Chỉ số ASX 200 trên thị trường Australia đi ngang.
Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc tăng 0,38%. Tuy nhiên, cổ phiếu ô tô đã giảm, với Kia Motors giảm 2,91%.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tương lai của các chỉn số chính ở Phố Wall sụt giảm đáng kể trong phiên này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với tất cả hàng hóa Mexico từ ngày 10/6 tới.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên ở mức 98,115 điểm sau khi giảm xuống còn 98,091 điểm.
Tỷ giá đồng yen Nhật Bản tăng lên mức 1 USD đổi được 109,37 yen sau khi giảm xuống còn 109,6 yen trong phiên trước đó.
Phố Wall phục hồi sau đợt bán tháo vì căng thẳng thương mại
Chứng khoán Mỹ nỗ lực hồi phục trong phiên giao dịch ngày 30/5, với mức tăng bị hạn chế bởi những phát biểu trái chiều về đàm phán thương mại từ Tổng thống Donald Trump và Trung Quốc.
Tâm lý giới đầu tư cổ phiếu tiếp tục bị đè nặng bởi nỗi lo xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui hôm 30/5 nói rằng việc kích động xung đột thương mại là "chủ nghĩa khủng bố kinh tế trần trụi".. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã ngừng mua đậu nành của Mỹ.
Tình trạng thiếu vắng những thông tin rõ ràng về cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang là nguồn áp lực lớn nhất đối với thị trường tài chính toàn cầu, bao gồm thị trường chứng khoán Mỹ trong thời điểm hiện nay.
Xu hướng mất điểm đã quay trở lại với Phố Wall sau khi chỉ số S&P 500 tăng 17% trong 4 tháng đầu năm nhờ niềm lạc quan rằng Bắc Kinh và Washington cuối cùng sẽ đạt một thỏa thuận thương mại.
Niềm tin lạc quan đó giờ đây đã suy giảm mạnh, với căng thẳng leo thang gây ra hàng loạt phiên lao dốc trong tháng 5. Tính từ đầu tháng, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều đã giảm ít nhất 5% mỗi chỉ số. Phiên giao dịch ngày 30/5 ghi nhận phiên tăng đầu tiên của Phố Wall trong tuần này.
"Sau nhiều ngày chỉ có giảm, thị trường thường ổn định lại một chút và nhà đầu tư đang đánh giá lại rủi ro", Giám đốc đầu tư Ben Phillips thuộc Eventshares nhận định. "Thị trường đang nhận ra rằng sẽ không sớm có những thông tin rõ ràng, và họ cần phải chuẩn bị cho điều đó".
Theo báo cáo của Chính phủ Mỹ công bố ngày 30/5, lạm phát quý 1 ở nước này yếu hơn nhiều so với con số ước tính ban đầu, do nhu cầu suy giảm mạnh. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế trong tháng 4 có chiều hướng yếu đi.
Mối lo thương mại tiếp tục thúc đẩy các nhà đầu tư mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ để tìm kiếm an toàn, đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức thấp nhất 20 tháng. Đường cong lợi suất giữa tín phiếu kỳ hạn 3 tháng và trái phiếu kỳ hạn 10 năm tiếp tục đảo ngược, với mức độ rộng nhất trong gần 12 năm.
Nhóm cổ phiếu năng lượng sụt 1,2% do giá dầu giảm mạnh sau khi thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm ít hơn dự báo. Trong tháng 5 này, nhóm cổ phiếu năng lượng đã giảm hơn 10%.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 0,17%, đạt 25.169,88 điểm. S&P 500 tăng 0,21%, đạt 2.788,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,27%, đạt 7.567,72 điểm./.