Chứng khoán Mỹ chứng kiến tháng lao dốc đầu tiên từ tháng 3 do đà bán tháo lan rộng

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phục hồi trong phiên 30/9, chứng khoán Mỹ vẫn không tránh khỏi tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 3, chủ yếu do nhóm cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Các chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa trong sắc xanh trong phiên giao dịch biến động khi nhà đầu tư kỳ vọng vào gói kích thích tài khóa mới sắp được thông qua. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 9, các chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm điểm, ghi nhận tháng lao dốc đầu tiên kể từ tháng 3.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số Dow Jones tăng 329,04 điểm, tương đương 1,2%, lên mức 27.781,70 điểm, sau khi nhảy vọt tới 573 điểm lên mức cao nhất trong phiên. Chỉ số S&P 500 cũng nhích 0,8% lên 3.363 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite cộng 0,7% lên 11.167,51 điểm.
 Chứng khoán Mỹ chứng kiến tháng giảm điểm đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Các chỉ số chính tăng mạnh ngay đầu phiên sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các nhà làm luật đang "nghiêm túc nỗ lực" đạt thỏa thuận về gói cứu trợ kinh tế mới đối phó Covid-19.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ xóa bớt đà tăng vào cuối phiên giao dịch đầy biến động sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin không đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới. Bà Pelosi và ông Mnuchin sẽ tiếp tục đàm phán và đang soạn thảo đề xuất thứ 5, có thể được cả Thượng viện và Hạ viện thông qua.
Tâm lý nhà đầu tư trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9 cũng được cải thiện nhờ số liệu kinh tế tốt hơn dự báo. Báo cáo của ADP cho thấy lĩnh vực tư nhân Mỹ tạo thêm 749.000 việc làm mới trong tháng 9, cao hơn dự báo là 600.000.
Trong khi đó, số nhà đang chờ hoàn tất hợp đồng bán tăng 8,8% trong tháng 8 - mức cao nhất lịch sử, theo khảo sát của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Mỹ.
Các nhóm cổ phiếu nhạy cảm với đà phục hồi kinh tế, như ngân hàng và du thuyền, đều chứng kiến đà leo dốc mạnh nhất. Goldman Sachs tăng hơn 2%, Citigroup cộng 1,6%, Norwegian Cruise nhích hơn 3% và Boeing chốt phiên tăng 1%.
Tuy nhiên, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall vẫn chứng kiến tháng sụt giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020, chủ yếu do sự điều chỉnh ở lĩnh vực công nghệ hồi đầu tháng 9. Chỉ số S&P 500 mất 3,9% trong tháng này, trong khi Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm 2,3% và 5,2% trong tháng 9.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden vào tối ngày thứ Ba (29/9), diễn ra đặc biệt luẩn quẩn với những lần cắt lời và liên tục chỉ trích lẫn nhau. Phố Wall vẫn lo ngại rằng đây sẽ là một quá trình bầu cử kéo dài hơn cần thiết có thể ảnh hưởng đến thị trường.
"Đây là một đêm dài và có rất nhiều thứ cần được xem xét lại", Daniel Deming - Giám đốc KKM Financial nhận xét. "Tôi cho rằng sức ép biến động trong ngắn hạn sẽ không dịu sớm sau cuộc tranh luận này đâu. Xét theo mặt nào đó, nó còn đang tạo ra nhiều biến động hơn".
“Các câu hỏi về gian lận bầu cử đã được đưa ra. điều này có thể gia tăng sự biến động trên thị trường cổ phiếu trong giai đoạn sau cuộc bầu cử”, theo Ed Mills của Raymond James.
Ngoài ra, dữ liệu tích cực về một phương pháp điều trị Covid-19 tiềm năng từ Regeneron Pharmaceuticals cũng đã giúp thúc đẩy tâm lý trên Phố Wall.
Trong khi đó, kết quả thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của công ty Moderna là an toàn và có dấu hiệu phát huy tác dụng ở người lớn tuổi, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England. Tuy nhiên, Financial Times hôm 30/9 cho biết Moderna chưa chắc chắn có vaccine ngừa Covid-19 trước cuộc bầu cử vào tháng 11./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần