Chứng khoán Mỹ: Kỳ vọng vào gói cứu trợ mới, S&P 500 tiến sát đỉnh mọi thời đại

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ số S&P 500 chạm mức 3.360,47 điểm, chỉ còn cách chưa tới 1% so với mức cao kỷ lục nhờ đà tăng mạnh của các cổ phiếu nhạy cảm với nền kinh tế.

Chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 10/8 khi mức tăng của các cổ phiếu nhạy cảm về kinh tế bù đắp thiệt hại từ các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Microsoft.
Chỉ số S&P 500 tăng mạnh gần chạm mức cao nhất mọi thời đại nhờ được dẫn dắt bởi các cổ phiếu có tính chu kỳ. 
Chốt phiên giao dịch này, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 357,96 điểm, tương đương 1,3%, lên mức 27.791,44 điểm. Boeing và Dow thuộc nhóm cổ phiếu diễn biến tích cực nhất, đều tăng trên 5%. JPMorgan Chase tăng 1,2%.
Chỉ số S&P 500 cũng nhích 0,27%, đóng cửa ở mức 3.360,47 điểm nhờ được dẫn dắt bởi các cổ phiếu có tính chu kỳ, gồm cổ phiếu ngành công nghiệp và năng lượng leo dốc hơn 2,4%. Chỉ số S&P 500 cũng chứng kiến phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp, tiến sát mức cao nhất mọi thời đại, chỉ còn cách chưa đến 1%.
Chuyên gia Adam Crisafulli của Vital Knowledge nhận định: “Tâm lý nhà đầu tư phấn khích với tài sản rủi ro khi báo cáo kết quả lợi nhuận tích cực trong quý II và dữ liệu kinh tế khởi sắc trong tháng 7”.
Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lại mất gần 0,4% trong bối cảnh nhà đầu tư bán ra cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn. Facebook, Netflix đều giảm hơn 2%, Microsoft mất 1,99%. Amazon và Alphabet lần lượt giảm 0,6% và 0,1%.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall tăng giảm đan xen trong phiên 10/8 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp hồi cuối tuần qua nhằm mở rộng gói cứu trợ thất nghiệp cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Sau khi Nhà Trắng và các nghị sỹ đảng Dân chủ hồi tuần trước không đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ mới nhắm ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump cuối tuần trước đã ký sắc lệnh hành pháp để tạm dừng thu thuế quỹ lương, hỗ trợ các khoản vay của sinh viên, người dân thuê nhà và gia hạn một phần trợ cấp thất nghiệp bổ sung đã hết hiệu lực vào cuối tháng trước.
Những sắc lệnh đó tiếp tục phân phối gói trợ cấp thất nghiệp mở rộng, hoãn thanh toán các khoản vay cho sinh viên trong suốt năm 2020 và tạm dừng thu thuế tiền lương. Tuy nhiên, trợ cấp thất nghiệp sẽ được tiếp tục với mức 400 USD/tuần. Ban đầu, trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh là 600 USD/tuần.
Các biện pháp này gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những thách thức pháp lý, song động thái mới nhất này sẽ thúc đẩy đảng Dân chủ và Chính quyền Tổng thống Trump quay trở lại bàn đàm phán. Đảng Dân chủ khăng khăng sẽ không ủng hộ bất kỳ dự luật nào không kéo dài khoản trợ cấp 600 USD/tuần.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết chính quyền Tổng thống Trump và Quốc hội có thể đạt được một thỏa thuận về tăng cường viện trợ kinh tế ngay trong tuần này, nếu các nghị sỹ đảng Dân chủ có sự nhượng bộ hợp lý.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, Bộ trưởng Mnuchin cho biết hai bên vẫn có thể thỏa hiệp để đạt được một thỏa thuận cho gói viện trợ lớn hơn và dự luật này nên được thông qua.
Dù không tiết lộ thời điểm đàm phán có thể nối lại, song ông Mnuchin khẳng định nếu như đạt được thỏa thuận hợp lý, thì đàm phán có thể nối lại ngay trong tuần này.
Bà Aneta Markowska - nhà kinh tế trưởng tại Jefferies nhận xét: “Thị trường chứng khoán Mỹ trong tháng 8 vẫn phải chịu rủi ro khả năng chính phủ cắt giảm chi tiêu tài khóa. “Tuy nhiên,  những yếu tố rủi ro đối với thị trường Phố Wall sẽ chỉ mang tính ngắn hạn" - chuyên gia Markowska nói thêm.
Các nhà đầu tư hiện đang thận trọng theo dõi diễn biến đàm phán thương mại dự kiến diễn ra vào ngày 15/8 trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung đang leo thang./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần