Chứng khoán Mỹ trái chiều khi giới đầu tư bán tháo cổ phiếu công nghệ

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dow Jones nhích nhẹ, trong khi đó chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đứt mạch tăng 4 phiên liên tiếp do dữ liệu việc làm thất vọng.

Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ trong ngày 4/6 đánh mất đà tăng mạnh mẽ trong các phiên gần đây sau khi đón nhận số liệu việc làm đáng thất vọng và cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 0,3% xuống 3,112,35 trong khi Nasdaq Composite giảm 0,7% xuống 9.615,81. Đây là phiên đi xuống đầu tiên của cả hai chỉ số này sau 4 phiên liên tục tăng điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 11 điểm, tương đương gần 0,1%, lên 26.281,82 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ lớn gây áp lực tiêu cực đến thị trường Phố Wall trong phiên giao dịch này. Facebook và Netflix cùng sụt hơn 1,6%. Amazon kết phiên mất 0,7% trong khi Alphabet và Apple cùng giảm hơn 0,8%.
Chứng khoán Mỹ dứt đà tăng khi số liệu thất nghiệp tiêu cực hơn dự báo.
Giữa phiên 4/6, chỉ số Nasdaq 100 (gồm 100 cổ phiếu phi tài chính lớn nhất trong chỉ số Nasdaq Composite) lập đỉnh lịch sử mới. Tuy nhiên khi chốt phiên, chỉ số này quay đầu giảm 0,8%.
Trong thời gian từ 19/2 đến 23/3/2020, chỉ số Nasdaq 100 lao dốc hơn 30%, nhưng hiện chỉ số này đã tăng phi mã hơn 40%. Nhà đầu tư quan tâm tới Nasdaq 100 vì đây là chỉ số tham chiếu cho chứng chỉ quỹ Invesco QQQ Trust ETF - một trong những loại chứng khoán có thanh khoản hàng ngày cao nhất.
Sự chững lại của thị trường cổ p hiếu xuất phát từ lo ngại tỷ lệ thất nghiệp có thể vượt dự báo. Bộ Lao động Mỹ ngày 4/6 cho biết gần 1,9 triệu người đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước, cao hơn dự báo 1,77 triệu từ Dow Jones.
Thông tin trên được đưa ra ngay trước báo cáo việc làm hàng tháng của Bộ Lao động Mỹ, dự kiến công bố ngày 5/6. Các chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ mất hơn 8 triệu việc làm trong tháng 5, trong khi tỷ lệ thất nghiệp có thể lên gần 20%.
Dù vậy, giới phân tích không quá bi quan trước số liệu kém khả quan trên. "Chúng ta có thể thấy bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đến. Mọi thứ dường như được kiểm soát và nền kinh tế mở cửa trở lại nhanh hơn dự kiến", Brad McMillan - Giám đốc đầu tư của Commonwealth Financial Network nhận định. "Tháng 6 sẽ cho chúng ta biết xu hướng phục hồi có duy trì hay không. Tuy nhiên, mọi thứ có vẻ tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta dự đoán một tháng trước", chuyên gia McMillan nói thêm.
Tuy đứt mạch tăng trong phiên 4/6 nhưng các chỉ số vẫn cao hơn đáng kể so với đầu tuần. Dow Jones đã tăng 3,5%, S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 2,2% và 1,3% trong tuần này.
Những cổ phiếu hưởng lợi từ việc mở cửa lại nền kinh tế đều giao dịch khởi sắc trong phiên 4/6. American Airlines tăng vọt hơn 41%, các ngân hàng JPMorgan Chase, Citigroup, Wells Fargo và Bank of America nhích trên 1%, MGM Resorts cộng 7,5%.
Cùng trong ngày 4/6, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố mở rộng chương trình mua tài sản khẩn cấp trong đại dịch thêm 600 tỷ euro, đưa tổng qui mô chương trình lên trên 1.350 tỷ euro.
Ông Phil Blancato - Giám đốc điều hành của Công ty tài sản Ladenburg Thalmann nhận định: “Thị trường cổ phiếu đang thể hiện tâm lý lạc quan chưa từng có trước đây, theo tôi chủ yếu là nhờ kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế của các quốc gia nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới và chính phủ các nước đồng loạt tung các gói hỗ trợ kinh tế đối phó khủng hoảng dịch bệnh khiến các tài sản rủi ro, bao gồm cổ phiếu, trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần