Chứng khoán châu Á khởi sắc
Trong phiên giao dịch sáng ngày 16/4, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản ít thay đổi. Chỉ số này đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2018 trong phiên trước đó sau dữ liệu kinh tế lạc quan từ Trung Quốc làm giảm bớt những lo ngại của các nhà đầu tư về sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự kỳ vọng rằng các nhà đàm phán thương mại của Trung Quốc và Mỹ sẽ sớm đạt được thỏa thuận thương mại chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài 9 tháng qua cũng củng cố niềm tin của giới đầu tư cổ phiếu.
Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng tăng 0,25%.
Tuy nhiên, chiến lược gia cấp cao Masahiro Ichikawa của Sumitomo Mitsui DS Asset Management nhận định: “Thị trường chứng khoán đang phải đối mặt với một số cơn gió ngược sau những phiên leo dốc mạnh gần đây.
Theo ông Ichikawa , tâm lý thị trường vẫn được hỗ trợ tương đối tốt nhờ các chỉ số kinh tế tích cực của Trung Quốc đã giảm tâm lý lo ngại về tăng trương kinh tế toàn cầu suy thoái. “Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mức tăng trưởng lợi nhuận không khả quan của nhiều doanh nghiệp đã gây áp lực lên các tài sản rủi ro trong năm qua, vì vậy những tín hiệu tích cực trong thời gian vừa qua đã nhanh chóng thúc đẩy sự lạc quan của giới đầu tư”, chuyên gia Ichikawa cho hay.
Trên thị trường tiền tệ thế giới, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm xuống ở mức 96,924 điểm.
Nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc được công bố trong ngày 17/4 để tìm dấu hiệu về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters dự báo tăng trưởng trong quý đầu tiên của Trung Quốc đã hạ nhiệt xuống mức yếu nhất trong ít nhất 27 năm, nhưng một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước có thể khiến sàn hoạt động chậm lại trong tháng 3.
Phố Wall mất đà tăng do cổ phiếu của ngân hàng giảm mạnh
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 15/4 khi nhóm cổ phiếu tài chính đi xuống vì lợi nhuận quý I của một số ngân hàng lớn khiến giới đầu tư thất vọng.
Dù cả 3 chỉ số cùng đi xuống, S&P 500 chỉ còn thấp hơn 1% so với mức đóng cửa cao kỷ lục thiết lập vào tháng 9 năm ngoái.
Cổ phiếu Goldman Sachs sụt 3,8% trong phiên này sau khi ngân hàng này công bố doanh thu quý I thấp hơn dự báo của giới phân tích. Một ngân hàng khác là Citigroup báo lợi nhuận cao hơn dự kiến, nhưng doanh thu giảm khiến cổ phiếu Citi chốt phiên với mức giảm 0,1%.
Quý I/2019 đã trở thành quý tăng điểm mạnh mẽ nhất của chứng khoán Mỹ trong gần 1 thập kỷ. Tuy nhiên, trong tháng 4, thị trường chuyển sang xu thế đi ngang, chờ bước vào mùa báo cáo kết quả kinh doanh.
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 15/4. |
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I trên thị trường chứng khoán Mỹ đang bước vào cao điểm. Giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận của các công ty trong S&P 500 sụt 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chứng kiến quý giảm lần đầu tiên kể từ năm 2016.
Nhà phân tích Sroka nhận định: "Khi các công ty trong các lĩnh vực khác công bố lợi nhuận, chúng ta sẽ có một bức tranh rõ ràng hơn về lợi nhuận doanh nghiệp và nền kinh tế".
Kết quả kinh doanh của Bank of America Co, Morgan Stanley, Netflix Inc, Johnson & Johnson, Textron Inc, Honeywell International Inc, Schlumberger NV và American Express Co sẽ là những báo cáo được chờ đợi nhiều nhất trong tuần này.
Theo nhà chiến lược Sam Stovall thuộc CFRA Research, giới phân tích sẽ tiếp tục tập trung các vấn đề địa chính trị như cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Giới thạo tin nói rằng các nhà đàm phán Mỹ đã giảm bớt yêu cầu đối với phía Trung Quốc về trợ cấp công nghiệp, nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại song phương. Đây được xem là một động thái “xuống nước” trong mục tiêu cốt lõi của Washington trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 6 nhóm chốt phiên trong trạng thái giảm. Trong đó, cổ phiếu tài chính là nhóm giảm mạnh nhất, với mức giảm 0,6%, kết thúc chuỗi 3 phiên tăng trước đó.
Cổ phiếu Boeing giảm 1,1% sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng dòng trạng thái Twitter nói rằng hãng sản xuất máy bay này nên sửa chữa và "đặt lại thương hiệu" cho dòng máy bay 737 Max.
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones hạ 0,1%, còn 26.384,77 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 0,06%, còn 2.905,58 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,1%, còn 7.976,01 điểm.