Chứng khoán toàn cầu tăng mạnh sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích kinh tế mới

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán toàn cầu đều tăng điểm trong phiên 9/9 khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào các gói kích thích kinh tế của ngân hàng trung ương các nước trước đà giảm tốc kinh tế.

Theo đó, thị trường cổ phiếu tại châu Âu phủ sắc xanh trong phiên này sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy xuất khẩu của Đức bất ngờ tăng mạnh trong tháng 7 và giới đầu tư hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ có động thái kích thích tăng trưởng kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu trong cuộc họp cuối tuần này. Chỉ số STOXX 600 của cổ phiếu châu Âu tăng 0,1% trong phiên giao dịch ngày 9/9.
Chỉ số MSCI toàn cầu, theo dõi cổ phiếu của 47 quốc gia, cũng nhích 0,05%.
Chứng khoán thế giới khởi sắc trong phiên 9/9.
Trong khi đó, chỉ số DAX của chứng khoán Đức, vốn nhạy cảm với các thông tin thương mại, tăng 0,2% sau khi dữ liệu vừa được công bố cho thấy xuất khẩu điều chỉnh theo mùa của nền kinh tế lớn nhất Eurozone tăng 0,7% trong tháng 7. Kết quả này trái ngược với kết quả từ cuộc thăm dò ý kiến ​​trước đó của các nhà kinh tế của Reuters dự báo giảm 0,5%.
Số liệu kinh tế của Đức đã hỗ trợ tích cực cho thị trường cổ phiếu toàn cầu trong phiên này khi thị trường vừa đón nhận các thông tin ảm đạm từ các nền kinh tế lớn trong tuần trước.
Chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng 0,2%, với hầu hết thị trường chứng khoán lớn trong khu vực đều tăng điểm. 
Chỉ số tương lai của S&P 500 cũng leo dốc 0,15%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và KOSPI của Hàn Quốc lần lượt tăng 0,4% và 0,7%. Tại Trung Quốc, chỉ số chứng khoán Thượng Hải tăng 0,3% và chỉ số Thâm Quyến cộng 0,6%. Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 tăng 0,1%. 
Tâm lý trên thị trường chứng khoán tích cực sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 6/9 thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với khối ngân hàng. Động thái trên đồng nghĩa bơm thêm thanh khoản 900 tỷ Nhân dân tệ (126,35 tỷ USD) vào nền kinh tế thứ 2 thế giới. 
Cục Hải quan Trung Quốc ngày 9/9 cho biết xuất khẩu giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 8, trái ngược với dự đoán tăng 2% của giới chuyên gia. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh 16% do tác động từ cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Với tình hình hiện tại, giới phân tích thị trường cho rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích kinh tế trong tương lai. 
Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung kéo dài từ đầu năm 2018 đến nay. Các nhà đầu tư gia tăng lo ngại việc leo thang cuộc chiến thương mại với các gói thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất, vốn đã làm suy yếu đà tăng trưởng, có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái vào đầu năm tới.
Mark Haefele - giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management, nhận định: “Nếu tất cả các mức thuế đề xuất trước đó chính thức thực hiện, chúng tôi dự đoán rằng tăng trưởng trong nửa đầu năm tới sẽ chậm lại trước khi xảy ra suy thoái kinh tế.
Tại Mỹ, thị trường việc làm cho thấy sự tăng trưởng trì trệ khi tạo ra thêm 130.000 việc làm trong tháng 8, thấp hơn con số dự báo là 158.000. Thu nhập bình quân theo giờ tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 3,3% hồi tháng 7.
Trong khi đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hành động phù hợp để duy trì tăng trưởng kinh tế Mỹ. 
Tại Nhật Bản, chính phủ vừa điều chỉnh lại tăng trưởng GDP quý II về 1,3% từ mức sơ bộ 1,8%, cũng cho thấy tình trạng tăng trưởng trì trệ.
Trên thị trường tiền tệ, đồng euro quay đầu tăng 0,1% so với USD sau khi giảm xuống mức thấp trong 5 ngày, được giao dịch ở mức 1 euro đổi được 1,1036 USD.
Trong khi đó, chỉ số USD, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,02%. So với yen Nhật, hiện đồng USD ở mức 1 USD “ăn” 106.940 yen.