Chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà tăng tại châu Á, Dow Jones phục hồi mạnh

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á phục hồi theo đà tăng mạnh trên sàn Phố Wall nhờ kỳ vọng vào sự can thiệp của các ngân hàng trung ương toàn cầu nhằm hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hầu hết các cổ phiếu tại thị trường châu Á đều tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 3/3 sau khi chứng khoán Mỹ phục hồi trong bối cảnh giới đầu tư hy vọng các ngân hàng trung ương có khả năng hành động để cứu nền kinh tế trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19.
Hầu hết chứng khoán châu Á đều phục hồi trong phiên 3/3.
Chứng khoán Trung Quốc đại lục dẫn đầu đà leo dốc trên thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, với chỉ số thành phần Thâm Quyến tăng 2,3%, chỉ số tổng hợp Thâm Quyến nhích 2,34% và chỉ số tổng hợp Thượng Hải cũng tăng khoảng 1,3%.
Trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cộng 0,32%. Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc nhích 1,15%.
Tuy nhiên, tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đi ngang, và chỉ số Topix giảm 0,19%.
Tại Australia, chỉ số S&P/ASX 200 lên điểm 1,6% trong phiên sáng nay khi các nhóm cổ phiếu đều đi lên, nhất là cổ phiếu của những tên tuổi lớn ngành ngân hàng.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) nhích 0,88%.
Ngân hàng Trung ương Australia dự kiến công bố quyết định lãi suất vào trưa nay. Tại Malaysia - quốc gia ghi nhận làn sóng bất ổn chính trị và việc bổ nhiệm tân thủ tướng, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) cũng sẽ công bố chính sách tiền tệ vào chiều ngày 3/3.
Thông tin được các nhà đầu tư chú ý nhiều nhất trong phiên này là cuộc họp trực tuyến giữa các bộ trưởng tài chính và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu về việc phối hợp triển khai các biện pháp tài chính và kinh tế để ứng phó dịch COVID-19.
Cuộc họp này sẽ do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell chủ trì. Cuộc họp dự kiến diễn ra lúc 7 giờ sáng 3/3 (giờ Mỹ) với sự tham dự của đại diện các nước G7.
Kathy Lien - Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại Quỹ quản lý tài sản BK Asset Management, nhận định: “Các ngân hàng trung ương đã cam kết giữ ổn định và đảm bảo sự phục hồi của thị trường chứng khoán như kỳ vọng của thị trường bằng việc triển khai các hành động phối hợp trong vài ngày hoặc muộn nhất vài tuần tới”.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD, phản ánh sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, hiện ở mức 97,587 điểm, giảm từ mức khoảng 98 điểm trong phiên  trước đó.
Chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 2/3, với chỉ số Dow Jones ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong hơn 1 thập kỷ khi Phố Wall lấy lại phần lớn đà sụt giảm từ đợt bán tháo mạnh hồi tuần trước.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/3, chỉ số Dow Jones nhảy vọt 1.293,96 điểm (tương đương 5,1%) lên 26.703,32 điểm, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2009. Đây cũng là phiên tăng điểm lớn nhất từ trước đến nay của Dow Jones.
Chỉ số S&P 500 cũng cộng 4,6% lên 3.090,23 điểm, ghi nhận phiên giao dịch khởi sắc nhất kể từ ngày 26/12/2018. Chỉ số Nasdaq Composite cũng ghi nhận phiên leo dốc mạnh nhất kể từ năm 2018, tăng 4,5% lên 8.952,16 điểm.
Đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần đã chấm dứt chuỗi lao dốc 7 phiên liên tiếp của Dow Jones và S&P 500.
Cổ phiếu Apple dẫn đầu đà tăng của Dow Jones với đà leo dốc 9,3%. Các lĩnh vực tiện ích, công nghệ, hàng tiêu dùng thiết yếu và bất động sản đều tăng hơn 5% để dẫn đầu đà tăng của S&P 500.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đã giảm mạnh hồi tuần trước khi những lo ngại về dịch bệnh COVID-19 lan rộng bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc làm ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư.
Các chỉ số chứng khoán chính đã chứng kiến tuần sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 trong tuần trước và rơi vào khu vực điều chỉnh, lao dốc hơn 10% từ các mức cao mọi thời đại ghi nhận hồi tháng trước.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall phục hồi trong phiên 2/3.
Sang phiên giao dịch ngày 2/3, Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều bước ra khỏi vùng điều chỉnh. Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt thấp hơn 9,7% và 9% so với các mức cao kỷ lục. S&P 500 khép phiên còn cách 8,9% để đạt mức cao mọi thời đại.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cấp cao Peter Cardillo tại Spartan Capital Securities, hoài nghi điều tồi tệ nhất đối với thị trường cổ phiếu đã qua.
Nỗi lo về tác động của dịch COVID-19 đối với lợi nhuận doanh nghiệp và kinh tế toàn cầu đã khiến giới đầu tư tìm kiếm các lựa chọn thay thế an toàn hơn, qua đó đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ rơi xuống mức đáy kỷ lục. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm rớt mốc 1,04% lần đầu tiên trong ngày 1/3 và khép phiên dao động ở mức 1,14%.
Sự lây lan nhanh chóng COVID-19 đã làm tăng dự báo về chính sách tiền tệ nới lỏng từ các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu, bao gồm cả FED.
Hơn 89.000 người nhiễm bệnh trên thế giới và hơn 3.000 ca tử vong liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Australia, Thái Lan và Mỹ đều công bố trường hợp tử vong đầu tiên vì virus SARS-CoV-2 vào cuối tuần qua. Rhode Island là tiểu bang đầu tiên của Mỹ ở bờ Đông thông báo có một ca nhiễm COVID-19./.