Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Việt ghi nhận những điều chỉnh, phân hóa

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những lo ngại xung quanh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và nguy cơ suy thoái của nhiều nền kinh tế; những đồn đoán về đường hướng chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là những yếu tố chính chi phối diễn biến của các thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới và Việt Nam tuần qua.

Nhập thông tin đấu giá vào hệ thống tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
Tuần này (từ 26/8 - 30/8), giới chuyên gia và các nhà phân tích dự báo, chứng khoán trong nước sẽ tiếp tục có những phiên rung lắc và biến động do ảnh hưởng của thị trường quốc tế. Các dòng cổ phiếu cũng sẽ có sự phân hóa mạnh.
Cuối tuần qua, không chỉ các chỉ số chứng khoán lớn trên thị trường Mỹ chứng kiến phiên giảm điểm mà nhiều thị trường khác trên thế giới cũng chìm trong sắc đỏ. Các TTCK châu Âu cũng giảm điểm khá mạnh. Chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) giảm 0,5% xuống còn 7.094,98 điểm. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) để mất 1,1% và khép phiên ở mức 5.326,87 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) và chỉ số tổng hợp Euro Stoxx đồng loạt giảm 1,2% xuống các mức lần lượt 11.611,51 điểm và 3.334,25 điểm.

Tại Việt Nam, kết thúc tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index dù tăng 1,3% so tuần trước đó, dừng tại 992,45 điểm nhưng những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang. Tỷ giá USD/CNY biến động mạnh đã ảnh hưởng lớn tới dòng vốn ETFs trên thị trường, nhất là sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế với 75 tỷ USD hàng hóa Mỹ, ngay lập tức Mỹ đã đáp trả khi nâng thuế từ 25% lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tỷ giá USD/CNY đã lên tới 7,096, mức cao nhất trong vòng hơn 1 thập kỷ qua. Tuần từ 19/8 - 23/8, các quỹ ETF (quỹ đầu tư vào các chỉ số) nổi bật trên thị trường Việt Nam đã bị rút ròng lượng chứng chỉ quỹ với giá trị 215 tỷ đồng. Cụ thể, khối ngoại bán ròng 220 tỷ đồng trên HoSE, trong đó, phần lớn áp lực bán đến từ các quỹ ETFs như VNM ETF, FTSE Vietnam ETF hay VFMVN30 ETF…

Trong tuần cuối tháng 8 (từ 26/8 - 30/8), các công ty chứng khoán đánh giá, những thông tin mới về cuộc chiến tranh thương mại và động thái của FED đang dấy lên nhiều băn khoăn trong giới nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh VN - Index đang tiệm cận mốc 1.000 điểm. Phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) cho biết, thị trường có thể chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục trở lại về cuối tuần. Trong bối cảnh thị trường tương đối thiếu vắng về mặt thông tin hỗ trợ như hiện tại, BVS cho rằng biến động của thị trường thế giới cùng hoạt động của khối ngoại sẽ là các yếu tố tác động đáng kể đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường trong tuần tới. Các dòng cổ phiếu dự kiến sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh trong ngắn hạn. Trong đó, nhóm ngân hàng và dầu khí vẫn còn dư địa tăng trong ngắn hạn nên các nhịp điều chỉnh của nhóm này có thể được xem là cơ hội mua trading cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, BVS đánh giá dòng tiền sẽ hướng sự quan tâm đến các nhóm cổ phiếu khác như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, cảng biển, hàng không và công nghệ thông tin…

Các chuyên gia BVS khuyến nghị, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 40 - 50% cổ phiếu trong giai đoạn này. Và theo đó, nhà đầu tư có thể xem xét bán chốt lời một phần các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự 1.000 - 1.005 điểm.