Chung tay bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em: Những khoảng trống cần xóa bỏ

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang cùng cả nước thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2020, từ 1 - 30/6. Chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em”. Một trong những thông điệp được đưa ra trong Tháng hành động là “Mùa hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em”.

Ảnh minh họa
Thông thường, khi bước vào Tháng hành động cũng là lúc học sinh các cấp bắt đầu những ngày nghỉ hè. Đây cũng là thời điểm các gia đình thường đi nghỉ mát, du lịch hoặc về thăm quê nên việc bố mẹ quản lý con cái cũng dễ hơn. Năm nay do nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19, năm học còn kéo dài cho đến giữa tháng 7, đúng vào thời điểm nắng nóng nhất. Có lẽ vì vậy, an toàn cho trẻ là vấn đề vốn quan trọng, nay càng trở nên cấp thiết hơn.
Một trong những tai nạn, thậm chí là tai nạn hàng đầu xảy ra với trẻ trong những ngày hè là nạn đuối nước. Cứ mỗi dịp vào hè, là các bậc phụ huynh và cả xã hội dấy lên nỗi lo về tình trạng đuối nước ở trẻ. Hằng năm, đuối nước làm hơn 2.000 trẻ em trong cả nước tử vong. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành nước có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Có một thực tế là nếu như nhiều năm trước, ngay từ đầu mùa hè, thậm chí ngay từ tháng 3, tháng 4 tại các địa phương đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Trong khi đó năm 2020, phải đến những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 mới dồn dập những tin tức về trẻ đuối nước ở Bình định, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Nội… với nhiều trẻ tử vong, ở đủ lứa tuổi.
Để ý một chút thì thấy đây cũng là thời điểm mà học sinh bắt đầu đi học trở lại sau kỳ nghỉ dài vì dịch Covid-19. Phải khẳng định rằng trong thời gian nghỉ học để giãn cách xã hội, bố mẹ, gia đình có điều kiện quản lý các cháu chặt chẽ hơn. Và cũng bởi vậy mà các tai nạn thương tích với trẻ, đặc biệt là tai nạn đuối nước được hạn chế.
Mặt khác, phân tích thời điểm xảy ra những vụ trẻ đuối nước những ngày qua, hầu hết là vào lúc các cháu từ trường về nhà. Như vậy, rõ ràng là có một khoảng thời gian trống về sự quản lý các cháu giữa gia đình và nhà trường. Và không chỉ đuối nước, những tai nạn đáng tiếc với trẻ luôn rình rập, nếu người lớn, mà đặc biệt là cha mẹ, thầy cô giáo không quản lý con em và học sinh của mình một cách chặt chẽ, sát sao.
Như đã nêu ở trên, một trong những thông điệp được nêu trong Tháng hành động là “Mùa Hè an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em”. Để con em chúng ta thực sự an toàn trong những ngày hè, xem ra có hai việc cần quan tâm:
Thứ nhất, để phòng tránh tai nạn cho trẻ, đặc biệt là đuối nước, mọi gia đình, nhà trường, cộng đồng phải hết sức quan tâm, cảnh giác vì tai họa có thể tới vào những lúc và ở những nơi bất ngờ nhất; đặc biệt là thời điểm hiện nay, các cháu vừa đi học trở lại sau 3 tháng xa bạn bè, dễ có chuyện vui bạn, vui bè. Trời nóng nực, các cháu rủ nhau ra ao hồ, sông suối... Với các cháu nhỏ, độ tuổi mầm non, tiểu học, chỉ cần một hố nước, con mương nhỏ cũng đủ mang lại tai nạn đáng tiếc.
Thứ hai, để giữ an toàn cho trẻ, cần sự kết hợp chặt chẽ của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Làm sao để không có khoảng trống trong việc giám sát, quản lý các cháu, đặc biệt là sự quản lý của gia đình trong thời gian tới, khi mà các cháu chuẩn bị kết thúc năm học.
Như trên đã nói, thời gian giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 những tai nạn với trẻ em giảm hẳn, kể cả tai nạn giao thông, một phần cũng là do được bố mẹ, gia đình quản lý chặt chẽ, sát sao. Những ngày tới, đặc biệt là thời gian nghỉ hè, khắc phục, xóa bỏ những khoảng trống trong việc quản lý các em cũng là biện pháp tích cực để giảm thiểu tai nạn cho trẻ em, đặc biệt là nạn đuối nước. Như vậy trẻ em mới thực sự có một mùa Hè an toàn, lành mạnh, bổ ích!