Chung tay vì con trẻ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa triển khai thực hiện Đề án chương trình Sữa học đường đến toàn thể các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn, theo đó trẻ sẽ được thụ hưởng trong thời gian theo năm học, từ năm học 2018 – 2019 đến hết năm 2020.

Hà Nội kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu đến năm 2020 trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn TP được uống sữa theo Đề án này.
Trước đó, Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện Đề án này đã được HĐND TP thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Có thể nói rằng, đây là đề án thể hiện rõ tính nhân văn, ý nghĩa cao đẹp, cũng như sự quan tâm của TP Hà Nội trong việc nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn.
Mô hình Sữa học đường đã trở nên quen thuộc với nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, không chỉ riêng ở Hà Nội, dựa trên Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Quyết định phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực học sinh mẫu giáo, tiểu học đến năm 2020”, chương trình này đã được triển khai tại nhiều tỉnh, thành và nhận được sự hưởng ứng sâu rộng của người dân. Bởi lẽ, thực tế qua đánh giá bước đầu tại những nơi đã triển khai cũng cho thấy, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhanh khi tham gia vào chương trình.
Tại Hà Nội, để xây dựng cơ chế hỗ trợ thực hiện Đề án này, TP đã tổ chức lấy ý kiến các trường, phụ huynh học sinh về sự cần thiết, giá, chất lượng sữa và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách; đã tham khảo cơ chế tài chính của một số tỉnh, TP đã và đang triển khai… Có thể nói rằng, cơ chế hỗ trợ của Hà Nội là phù hợp và đảm bảo tính khả thi của Đề án.
Theo đó, ngân sách TP sẽ hỗ trợ 30%, DN cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh học sinh chỉ đóng góp 50%. Và với quan điểm, không để xảy ra hiện tượng học sinh vì hoàn cảnh, điều kiện không thể tham gia chương trình, TP đã xây dựng cơ chế miễn phần đóng góp của phụ huynh (ngân sách hỗ trợ 50%; DN cung cấp sữa hỗ trợ 50%) với diện rộng các đối tượng. Từ học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, đến học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh thuộc diện chính sách theo quy định của Nhà nước… đều được tham gia miễn phí. Với phương thức “Nhà nước và Nhân dân” cùng làm rất hợp lý ấy sẽ đảm bảo số đông trẻ được tham gia, đặc biệt trẻ ở vùng xa, địa bàn khó khăn, rất cần uống sữa, cũng không “đứng ngoài" chương trình.
Không mang tính ép buộc, được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, nhưng với tính thiết thực và nhân văn của Đề án, Hà Nội cũng kỳ vọng sẽ đạt được những mục tiêu đến năm 2020 trên 90% trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học trên toàn TP được uống sữa theo Đề án này. Qua đó, sẽ góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học xuống dưới 5,5%. Đây hoàn toàn là mục tiêu khả thi bởi ý nghĩa thực tiễn của chương trình đã được khẳng định.
Có thể nói rằng, “vạn sự khởi đầu nan”, để chương trình được triển khai sâu rộng, chắc chắn còn nhiều việc phải làm để nhận được sự hưởng ứng đông đảo của mọi người. Nhưng rõ ràng rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để các học sinh trong độ tuổi mầm non, tiểu học được uống những hộp sữa đạt tiêu chuẩn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi sản phẩm vào trường học phải có sự kiểm soát chặt chẽ. Phụ huynh sẽ yên tâm hơn về nguồn gốc và chất lượng sữa con uống tại trường và đồng thời cũng góp phần giảm bớt đáng kể gánh nặng chi phí mua sữa cho con của mỗi gia đình.