Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chương trình Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI đảm bảo khoa học, chất lượng

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 27/3, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải đã làm việc với LĐLĐ TP Hà Nội về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội (ĐH) Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI nhiệm kỳ 2018-2023. Cùng dự có Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, ĐH dự kiến diễn ra trong 3 ngày (23, 24, 25/4/2018) tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, với tổng số 849 đại biểu tham dự (550 đại biểu chính thức). Ban Thường vụ LĐLĐ TP cũng đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt các nội dung cụ thể về công tác nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, UBKT LĐLĐ TP khóa XVI nhiệm kỳ 2018-2023 và nhân sự Đoàn Đại biểu LĐLĐ TP dự ĐH XI Công đoàn Việt Nam.
 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi làm việc.
Cơ bản đồng tình với chương trình dự kiến của ĐH, ghi nhận sự chủ động của Thường trực LĐLĐ TP triển khai nghiêm túc, bài bản 5 nội dung chuẩn bị cho ĐH, trong đó, văn kiện được lấy ý kiến qua nhiều lần với sự góp ý của nhiều bên liên quan, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng đề nghị: Văn kiện cho ĐH cần được tiếp tục tiếp thu nhiều ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, đánh giá thực chất và tổng hợp kết quả đạt được trong công tác công đoàn nhiệm kỳ qua. Trong đó, văn kiện cần nêu rõ những nét đặc trưng, nội dung mang tính điểm nhấn của tình hình công nhân lao động (CNLĐ), công đoàn của Hà Nội, với tư cách vừa là TP vừa là Thủ đô, lại trong điều kiện năm 2018 tròn 10 năm Hà Nội hợp nhất địa giới hành chính; ghi nhận sự phát triển cả “chất” và “lượng” của các tổ chức, mô hình công đoàn cơ sở. Văn kiện cần đánh giá thực trạng tình hình CNVCLĐ Thủ đô, chỉ rõ những yếu kém và nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục, trên cơ sở bám sát thực tiễn, kịp thời dự báo tình hình; nêu bật kết quả tốt của các KCN tại TP trong ổn định tình hình CNLĐ, phát huy rõ nét vai trò của tổ chức công đoàn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu, nội dung văn kiện cần gắn với việc thực hiện các nghị quyết của TƯ và Thành ủy mới ban hành về các nhiệm vụ của các tổ chức chính trị, nhất là với Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị T.Ư 6 về tinh gọn bộ máy; gắn với chủ đề công tác năm nay của Thành ủy là “nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, thực hiện bộ quy tắc ứng xử của CBCCVC tại các cơ quan TP.

Bên cạnh đó, đồng chí đề nghị, với các chỉ tiêu đưa ra trong nhiệm kỳ tới, chỉ tiêu của Công đoàn Hà Nội cần cao hơn các địa phương khác, đảm bảo mang tính đặc thù, điển hình. Trong công tác tuyên truyền cho ĐH, Ban Tuyên giáo Thành ủy cần chủ động định hướng cho LĐLĐ TP. Về nội dung chương trình ĐH, LĐLĐ TP cần xây dựng một chương trình rất khoa học, có kế hoạch chi tiết, chặt chẽ, bài bản để thực hiện đúng nội dung, đảm bảo chất lượng cao.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thống nhất với nội dung chương trình, thời gian ĐH và cũng nhấn mạnh, nội dung cần được lựa chọn vừa sáng tạo, vừa bám kịch bản, vừa phát huy được trí tuệ của đại diện công đoàn Thủ đô.

“Tin rằng với sự chỉ đạo sát sao của Tổng LĐLĐ Việt Nam và nỗ lực của các cấp công đoàn Thủ đô, ĐH lần thứ 16 sẽ thành công tốt đẹp; LĐLĐ TP là đơn vị tiến hành ĐH sớm của cả nước, sẽ là cơ sở để Tổng LĐLĐ chỉ đạo các tỉnh, TP khác. Đây hứa hẹn là sự kiện chính trị có ý nghĩa thiết thực kỷ niệm 90 năm thành lập LĐLĐ TP, để LĐLĐ TP bước sang nhiệm kỳ mới với quyết tâm, khí thế mới, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định.