Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn: Không nên dừng ở mức phong trào

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, nhiều phiên chợ hàng Việt vẫn còn mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu cũng như mong muốn của người tiêu dùng.

Người dân và doanh nghiệp cùng hưởng lợi

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, trong đợt phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 vừa qua, các DN ngành thương mại đã tổ chức 9 điểm bán hàng Tết theo mô hình phiên chợ và 187 chuyến bán hàng lưu động tại các huyện và khu công nghiệp (KCN). Phần lớn các chương trình này đều nhằm hỗ trợ các DN tham gia các hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn. Tại những phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn” 100% các mặt hàng bày bán đều là hàng Việt Nam với nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá kèm theo... Hàng hóa tham gia chương trình tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá. Thực tế cho thấy, với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, hàng Việt Nam được khách hàng nông thôn ưa chuộng. Bà Nguyễn Thị Tâm, ở xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ) cho rằng: “Các chuyến hàng Việt về nông thôn, đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, mua sắm hàng do các DN trong nước sản xuất một cách dễ dàng hơn. Không ít gia đình ở quê tôi bây giờ chủ yếu sử dụng hàng nội”.
Người dân huyện Quốc Oai mua hàng tại chợ tết tổ chức trên địa bàn huyện. 	Ảnh:  Hoài Nam
Người dân huyện Quốc Oai mua hàng tại chợ tết tổ chức trên địa bàn huyện. Ảnh: Hoài Nam
Với việc lấy được sự tín nhiệm của người tiêu dùng vùng nông thôn, sức mua hàng Việt đã tăng mạnh. Báo cáo kết quả hoạt động phục vụ Tết Bính Thân vừa qua cho thấy, doanh số bán hàng của 9 trung tâm bán hàng phục vụ Tết đạt trên 7 tỷ đồng. Đặc biệt phiên chợ Tết do Hapro tổ chức tại huyện Ứng Hòa doanh thu trong 5 ngày tổ chức lên đến gần 700 triệu đồng. Đánh giá về kết quả các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân vừa qua, bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng: Việc đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ tạo ra sự tương tác hai chiều giữa DN và người dân mà còn tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người tiêu dùng về hàng sản xuất trong nước. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để DN nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu và sức mua của người dân khu vực nông thôn, từ đó có những chiến lược kinh doanh phù hợp hơn.

Còn nhiều vướng mắc

Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn đã mang lại những hiệu ứng tích cực. Tuy nhiên, những phiên chợ Việt về nông thôn vẫn chưa được như mong muốn. Theo phản ánh từ nhiều DN tham gia chương trình cho thấy, không ít phiên chợ hàng Việt tổ chức còn khá rời rạc, thiếu sự liên kết, chuyên nghiệp. Mặt khác, các chuyến hàng về nông thôn đều diễn ra trong một thời gian rất ngắn; hàng hóa, mẫu mã sản phẩm chưa phong phú, đa dạng, chất lượng chưa ổn định nên không thu hút được người mua. Tại các chợ địa phương vẫn còn các đại lý trên địa bàn bày bán sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bản thân DN khi tham gia Chương trình cũng vấp phải không ít khó khăn khi phần lớn kinh phí thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn đều do DN tự trang trải.

Từ thực tế trên, để người tiêu dùng trong nước thật sự tin dùng và gắn bó với hàng Việt, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn không nên dừng ở mức phong trào. Vì vậy, Nhà nước và các ban, ngành liên quan cần tiếp sức cho DN đưa hàng nhiều hơn về nông thôn. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các DN phát triển điểm bán cố định tại địa phương, thực hiện hiệu quả liên kết các vùng miền, địa phương. Cùng với những nỗ lực từ phía các DN trong việc đổi mới mẫu mã các mặt hàng, người tiêu dùng cũng cần phải nâng cao nhận thức sử dụng sản phẩm trong nước, góp phần hưởng ứng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần