Chương trình giáo dục phổ thông mới: Sau khảo sát, tiếp tục hoàn thiện

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo viên, học sinh (HS) có đáp ứng được chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPTM)... là băn khoăn lớn nhất được đặt ra tại buổi họp báo về Kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các CT môn học do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 3/5 tại Hà Nội.

 Sinh viên trường Đại học Sư phạm 1 trên giảng đường. Ảnh: Nguyễn Trung

Chương trình khả quan

GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên CT GDPTM cho biết, CT được chạy thử nghiệm tại 48 trường ở 6 tỉnh, TP. Đây là các địa phương đại diện cho các vùng kinh tế - xã hội trong cả nước gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ và Bà Rịa - Vũng Tàu. Kết quả thử nghiệm cho thấy, khi chưa thử nghiệm thì nghĩ rằng ở khu vực thành thị sẽ tốt hơn. Song, thực tế lại ngược lại, một số giờ lên lớp chưa đạt yêu cầu lại thuộc về trường ở nội thành Hà Nội.

Ban soạn thảo đã tham dự những giờ học tạo ấn tượng mạnh là ở địa bàn xa xôi như trường Trần Đại Nghĩa (Cái Răng, Cần Thơ), dù điều kiện dạy học khó khăn, nhưng đã tổ chức được giờ học mà thầy và trò tương tác với nhau rất tốt. Ông Mai Sỹ Tuấn - Chủ biên CT môn Khoa học tự nhiên cho rằng, CT soạn tốt đến mấy cũng chỉ như bản thiết kế của một ngôi nhà, chất lượng xây dựng phụ thuộc vào người thợ là giáo viên.
Theo đánh giá của ông Tuấn, CT khả quan, nhiều giáo viên từ chỗ bỡ ngỡ, sau khi được hướng dẫn đã làm chủ phương pháp dạy học mới, tạo không khí tích cực trong lớp. “Khó khăn mà hầu hết giáo viên phản ánh là về thiết bị dạy học, nhưng khó nhất chính là năng lực đổi mới phương pháp dạy học. Qua dự giờ, tôi thấy có cô giáo không biết cách tổ chức hoạt động nhóm cho HS. Nhưng chỉ mất vài giờ chỉ dẫn, các thầy cô đã dạy một giờ học rất ưng ý” – ông Tuấn chia sẻ.

Học sinh hứng thú

Dẫu vậy nhiều người vẫn băn khoăn liệu giáo viên, HS có đáp ứng được CT mới. Bà Bùi Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng trường Mỗ Lao (Lào Cai) cho biết, trường được thực nghiệm 2 lần, lần 1 tháng 4/2017, đợt 2 tháng 4/2018, HS, giáo viên rất phấn khởi.
“CT được các giáo viên đánh giá cao, HS học hứng thú. Tuy nhiên, có một số tiết học, kiến thức hơi nặng so với HS” – bà Hạnh chia sẻ. Còn đại diện một trường THPT tại tỉnh Bình Định đánh giá, mặc dù là trường thuộc vùng nông thôn, nhưng triển khai CT mới, nhìn chung khá tốt. “Tuy nhiên, để tốt hơn, thời gian tới, cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học mới đáp ứng được” – vị này cho biết.

Là một trong những trường của Hà Nội thử nghiệm CT mới, bà Ngô Thị Hồng Liên – Phó Hiệu trưởng trường THPT Tây Hồ nhận thấy rõ nét CT đã giảm tải kiến thức hàn lâm, tăng kiến thức thực tế. Tuy nhiên, có những môn học, ví dụ như Hóa học, Sinh học, sau khi thực hiện, có thầy cô giáo cho biết có chỗ hơi khó. “Với môn học trải nghiệm sáng tạo, đây là điểm khá mới mẻ, được giáo viên, phụ huynh và xã hội quan tâm. Bộ môn được đưa vào dạy chính thức sẽ giải quyết được vấn đề xã hội đang đặt ra” - bà Liên chia sẻ.
Cũng theo bà Liên, khi đưa CT vào thử nghiệm, HS rất hào hứng. “Trường có 24 giáo viên dạy thử nghiệm, 3395 HS tham gia. Thầy cô có phương pháp tốt, HS vô cùng hứng thú. Ví dụ, môn Vật lý, học trò tự tìm hiểu, tranh luận và thực hiện, nhưng để làm được điều này, thầy phải có sự chuẩn bị rất kỹ… Thầy cô đều cảm nhận, học trò không sợ CT mới” – bà Liên nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến góp ý, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, việc thực nghiệm nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của CT đến hoạt động dạy và học của giáo viên và HS. Thực chất là thực nghiệm những nội dung, phương pháp dạy học, cách thức đánh giá. “Quá trình thử nghiệm cho thấy không phải giờ dạy nào cũng thành công. Đây là những yếu tố cần thiết giúp Ban soạn thảo đánh giá, nhìn nhận công việc để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện CT” - GS Thuyết khẳng định.