Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ “giảm tải” cho học sinh?

Thủy Trúc – Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hình ảnh chiếc cặp quá nặng của học sinh quá nặng đã cho thấy chương trình Giáo dục phổ thông hiện hành đang có hiện tượng “quá tải”. Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) cho biết, ở chương trình GDPT mới, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 6 biện pháp giảm tải.

Theo đó, Chương trình GDPT mới giảm số môn học và hoạt động giáo dục. Theo đó, nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, Chương trình GDPT mới giảm được số môn học so với chương trình hiện hành. Cụ thể, chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Chương trình mới của các lớp THPT đều có 12 môn học.
 Ảnh minh họa
Chương trình GDPT mới cũng thực hiện giảm số tiết học. Ở tiểu học, học sinh học 2.838 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 2.353 giờ. Chương trình mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.

Ở THCS, học sinh học 3.070 giờ. Theo chương trình hiện hành, học sinh học 3.124 giờ.

Còn ở THPT, học sinh học 2.284 giờ, trong khi chương trình hiện hành, học sinh Ban cơ bản học 2.546 giờ; học sinh Ban A, Ban C học 2.599 giờ.

Chương trình GDPT mới cũng giảm kiến thức kinh viện. Trong đó, lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, cho nên xuất phát từ yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực ở từng giai đoạn học tập để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp, giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.

Bên cạnh đó là tăng cường dạy học phân hoá, tự chọn. Cụ thể, Chương trình GDPT mới là chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp THPT) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.

Phương pháp dạy học ở Chương trình GDPT mới cũng được thực hiện theo hướng tích cực. Theo đó, học sinh được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kĩ năng và vận dụng vào đời sống, còn thầy cô không thiên về truyền thụ mà đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh.

“Trong việc thực hiện chương trình, thầy cô được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. Đây cũng là những yếu tố để giảm tải chương trình”- GS Thuyết nhấn mạnh.

Không chỉ thế, c hương trình GDPT mới cũng đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Trong đó, xác định mục tiêu đánh giá kết quả giáo dục là cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, có giá trị về mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình và sự tiến bộ của học sinh để hướng dẫn hoạt động học tập, điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lí và phát triển chương trình, bảo đảm sự tiến bộ của từng học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần