Chương trình giáo dục phổ thông mới: Vẫn nhiều băn khoăn

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội nghị trực tuyến với 30 điểm cầu quận, huyện của Hà Nội triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 20/1, còn khá nhiều băn khoăn của người làm nghề khi thực hiện dạy và học theo chương trình mới.

Chương trình chưa giảm tải?
Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa giảm tải cho học sinh (HS). Như ông Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) phân tích, việc lựa chọn môn học trong nhóm môn là phù hợp, hoạt động trải nghiệm sát thực tế hơn. Tuy nhiên, “Cần xem lại chương trình có nặng quá không. Ban soạn thảo chương trình nên cân nhắc cho phù hợp với đối tượng HS, không chỉ ở TP mà ở vùng sâu, vùng xa, tránh việc khi thực hiện chương trình lại phải giảm tải, cắt bớt” – ông Bình bày tỏ.
 Giờ học Ngữ văn của học sinh khối 12 trường THPT Kim Liên. Ảnh: Phạm Hùng
Đây cũng là đề xuất của Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) Đoàn Công Thạo. Ông Thạo cho rằng, làm sao để HS không phải làm bài tập quá khó, mà được trải nghiệm thực tế nhiều hơn. Nhưng nhìn vào số tiết, ví dụ môn Khoa học tự nhiên 560 tiết/năm là chưa giảm tải, ngược lại còn tăng tải. "Nên mạnh dạn rút bớt lý thuyết, rút số tiết, tăng trải nghiệm để chương trình giáo dục đạt mục tiêu đề ra, giảm tải cho HS” – ông Thạo kiến nghị. Bên cạnh đó, ông Thạo cũng băn khoăn về việc nhiều môn học tích hợp được đưa vào chương trình THCS, với việc giáo viên (GV) đang dạy đơn môn như hiện nay khi dạy tích hợp sẽ khó tránh khỏi việc "trái tay" khi phải dạy các môn khác.

Giải đáp những băn khoăn này, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, trước mắt việc dạy tích hợp không đặt ra yêu cầu 1 GV phải dạy nhiều lĩnh vực, mà có thể 3 người dạy 1 môn tích hợp. Còn những chủ đề liên môn thì thiên về môn nào, GV môn đó sẽ đứng lớp. Tuy nhiên, về lâu dài, trường sư phạm sẽ xây dựng chương trình đào tạo GV tích hợp.

Giảm sĩ số học sinh

Bên cạnh đề xuất giảm tải chương trình, nhiều người còn lo ngại cơ sở vật chất, trang thiết bị và quá tải lớp học sẽ khó đáp ứng chương trình mới. Hiệu trưởng trường Tiểu học Hải Bối (huyện Đông Anh) Bùi Thị Sinh cho biết, nhà trường hiện đang quá tải về quy mô HS khi sĩ số lên tới 50 HS/lớp và tương lai còn tăng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường đang có chiều hướng xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, vì vậy, để triển khai có chất lượng chương trình, rất cần sự quan tâm, đầu tư. Cùng nhận định này, bà Phan Kim Anh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Thành Công (quận Đống Đa) cho rằng, tình trạng quá tải về quy mô HS là khó khăn chung của giáo dục tiểu học hiện nay. Dù rất quyết tâm, song thực tế này vẫn là rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai của các nhà trường.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng thừa nhận, khi thực hiện chương trình mới, thì lớp học sẽ bố trí theo hình thức làm việc theo nhóm, đồng thời sẽ tiến hành nhiều hoạt động trải nghiệm giáo dục. “Chúng tôi tha thiết đề nghị Hà Nội giảm sĩ số HS theo quy định, với tiểu học là 35 HS/lớp và với trung học là 40 - 45 HS/lớp. Nếu sĩ số 50 - 60 HS/lớp như hiện nay thì không cách gì tổ chức được lớp học theo nhóm” - ông Thuyết nói.

Và trả lời cho câu hỏi này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, ngay sau hội nghị, Sở sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết về việc tiếp tục đổi mới chương trình phổ thông mới. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, các trường sư phạm, tham mưu UBND TP tăng cường ngân sách, kinh phí, cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục phổ thông; quy hoạch mạng lưới trường lớp; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ; tài chính phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.