Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Thống nhất nội dung, hài hòa môn học

Trung Anh thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc bố trí số tiết học cho các môn học và hoạt động giáo dục phải căn cứ vào khả năng đóng góp của từng môn học đối với việc hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh.

Dù Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (CT GDPTTT) được Bộ GD&ĐT thông qua mới đây đã thể hiện sự tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý nhưng vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại: Giảm cơ học, đều các môn, sẽ nảy sinh tiêu cực, dẫn đến dạy thêm học thêm; Dạy tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh có phù hợp?... Để hiểu rõ hơn, phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên CT GDPTTT xung quanh vấn đề này.
Đảm bảo nội dung bắt buộc thống nhất

So với Dự thảo lần 1, có thể thấy, thời lượng học ở cả 3 cấp trong CT GDPTTT vừa được thông qua có giảm bớt. Ông có thể nói rõ hơn về sự thay đổi này?

Về cơ bản, CT tổng thể vừa được thông qua không thay đổi so với dự thảo CT công bố đầu tháng 4. Thay đổi lần này chỉ là một số nội dung trong kế hoạch giáo dục. Cụ thể, ở Tiểu học, Ban soạn thảo CT sử dụng lại tên các môn học trong CT hiện hành để đỡ gây thắc mắc, băn khoăn cho giáo viên. Đối với THCS, CT nhấn mạnh nội dung giáo dục hướng nghiệp. Còn ở THPT thì tổ chức dạy phân hoá ngay từ lớp 10.
 Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục Phổ thông tổng thể..
Thời lượng giáo dục dành cho một số môn học có giảm đi so với Dự thảo trước đây là do phải cân đối cho phù hợp với điều kiện dạy học (cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên). Ví dụ, ở Tiểu học, trong khi có trên 70% số trường dạy được 2 buổi/ngày (tức là 9, 10 buổi/tuần), vẫn có những trường chỉ dạy được 6 buổi, thậm chí 5 buổi/tuần. So với những trường dạy 9, 10 buổi/tuần thì thời lượng học ở những trường dạy 5 buổi/tuần chỉ bằng một nửa. Nếu CT chỉ viết cho những trường dạy 9, 10 buổi/tuần thì những trường chỉ có điều kiện dạy 5 buổi/tuần không theo được. Nhưng nếu cắt giảm CT cho phù hợp với những trường chỉ dạy 6 buổi, 5 buổi/tuần thì kéo cả nước xuống. Do đó, CT đã được thiết kế để bảo đảm tất cả các trường đều thực hiện được nội dung giáo dục bắt buộc thống nhất trong cả nước, đồng thời tạo điều kiện cho những trường dạy 9, 10 buổi/tuần phát huy được ưu thế của mình.
Giờ ngữ văn của học sinh khối 12 trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
Trước việc giảm thời lượng tiết học, môn học ở 3 cấp học, nhất là ở bậc THCS và THPT, nhiều ý kiến cho rằng, nếu CT giảm tải kiểu cơ học, đồng đều ở các môn dễ dẫn đến tiêu cực về dạy thêm học thêm. Ông có ý kiến gì về những nhận định này?

Việc bố trí số tiết học cho các môn học và hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) phải căn cứ vào khả năng đóng góp của từng môn học đối với việc hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi cho học sinh. Tuy nhiên, đo lường khả năng đóng góp của từng môn học là việc không dễ dàng. Ban soạn thảo CT phải xác định thời lượng dành cho từng môn học trên cơ sở tham khảo tỷ lệ thời lượng dành cho các môn học trong CT các nước phát triển và đối chiếu với CT hiện hành, với thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường học của nước ta.

Việc tăng, giảm tiết học các môn, vì vậy, không phải là tăng giảm cơ học, cào bằng mà có căn cứ. Ví dụ, có ý kiến cho rằng, ở THPT, học Toán 3 tiết/tuần, học mỗi môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) 2 tiết/tuần là không đủ. Tôi xin khẳng định rằng thời lượng học các môn này, trừ môn Vật lý, tương đương thời lượng học của Ban Cơ bản trong CT hiện hành. Những HS có nguyện vọng học các môn này sâu hơn sẽ chọn học thêm chuyên đề. Mỗi môn có một cụm chuyên đề 35 tiết/năm (1 tiết/tuần). Như thế có nghĩa là một học sinh muốn học sâu về Toán, Vật lý, Hóa học sẽ được học 4 tiết Toán, 3 tiết Vật lý, 3 tiết Hóa học một tuần; tương đương thời lượng học dành cho Ban A trong CT hiện hành.

Còn việc giảm tiết học có dẫn đến dạy thêm, học thêm tràn lan không thì tôi xin khẳng định thế này: Trước hết, đại bộ phận các trường THCS, THPT nước ta đều dạy học 1 buổi/ngày; thời gian học tối đa 1 ngày chỉ có 5 tiết; vì vậy, không giảm số tiết không được. CT hiện hành bố trí một số lớp THCS, THPT học đến 32, 33 tiết/tuần. Tôi không biết lấy đâu ra số tiết nhiều như thế. CT mới sẽ sắp xếp để nội dung từng môn tương ứng với thời lượng học các môn ấy. Còn về hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan thì có nhiều nguyên nhân, chứ không phải do nội dung giáo dục quá tải hay do giảm số tiết học.
 Học sinh khối 12 trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh trong giờ học toán. Ảnh: Phạm Hùng.
Cũng không ít ý kiến cho rằng, số tiết dành cho môn ngoại ngữ trong chương trình quá ít (khối lớp 1, 2 học 2 tiết /tuần, môn học tự chọn), khối 3, 4, 5 học 4 tiết/tuần (mỗi tiết từ 35-40 phút), HS THCS, THPT 3 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút), cần tăng cường thời lượng, vì ngoại ngữ đang rất hạn chế đối với HS Việt Nam. Ông có ý kiến gì về việc này?

Tăng giảm thời lượng học thế nào phải căn cứ vào điều kiện thực tế mới có quyết định đúng được. Giả sử, tăng thời lượng học ngoại ngữ lên gấp 2, sẽ lấy thời gian nào để học, bớt giờ môn nào để bù giờ môn ngoại ngữ? Chúng ta có thể thấy, mỗi môn học đều có tầm quan trọng riêng của nó; chương trình phải bảo đảm sự hài hòa. CT mới quy định dạy Ngoại ngữ từ lớp 3. Nhưng cũng cho phép những trường có đủ điều kiện được dạy Ngoại ngữ từ lớp 1 theo nguyện vọng của phụ huynh học sinh, mỗi năm không quá 70 tiết.

Ở THCS, THPT, thời lượng dạy Ngoại ngữ là 105 tiết/năm (3 tiết/tuần). Nếu tăng số tiết học Ngoại ngữ lên gấp 2 cũng có nghĩa là ở cấp THCS (gần 11.000 trường), THPT (gần 3.000 trường) phải tăng số lượng giáo viên lên gấp 2. Điều này là bất khả thi. Năm ngoái, tôi có việc sang Hy Lạp. Tôi thấy người dân Hy Lạp nói tiếng Anh rất tốt, nhưng trong CT giáo dục phổ thông của họ, môn tiếng Anh cũng chỉ được bố trí 3 – 4 tiết/tuần.

Một điều nữa tôi cũng muốn lưu ý: quy định về thời lượng học trong CT GDPTTT áp dụng cho các trường có quỹ thời gian trung bình. Các trường dạy 2 buổi/ngày có thể sử dụng buổi học thứ 2 trong ngày để tăng giờ học một số môn nhất định và hướng dẫn học sinh rèn luyện, vui chơi, hoạt động thể thao, văn nghệ,...

Khá nhiều ý kiến băn khoăn về việc dạy tích hợp ở THCS, trong đó có môn Khoa học tự nhiên dạy tích hợp các nội dung vốn thuộc 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học? Môn tích hợp sẽ do 3 giáo viên dạy. Vậy phân công chuyên môn như thế nào?

Tôi xin nói ngay rằng giải pháp 3 giáo viên dạy một môn chỉ là giải pháp tình thế, trong khi chưa có giáo viên dạy được môn Khoa học tự nhiên. Nguyên nhân phải áp dụng giải pháp này là trong hàng chục năm qua, các trường sư phạm chưa mở ngành đào tạo giáo viên dạy đa môn, mặc dù ngay từ khi xây dựng CT năm 2000, Bộ GD&ĐT cũng đã đặt vấn đề xây dựng các môn học tích hợp và đào tạo giáo viên dạy đa môn. Trong tương lai, điều này sẽ được thay đổi. Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các trường sư phạm xây dựng CT đào tạo giáo viên dạy đa môn. Các giáo viên hiện đang đứng lớp cũng sẽ được đào tạo văn bằng 2 để dạy đa môn.

Dạy học tích hợp là xu thế chung của chương trình giáo dục phổ thông các nước. Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế này. Còn việc phân công giáo viên dạy thế nào là do nhà trường căn cứ vào thực tế để sắp xếp cho phù hợp. Đó là quyền tự chủ của các trường.

Vận dụng kiến thức vào thực tiễn

Nếu vẫn là 3 giáo viên dạy 3 phần Vật lý, Hóa học, Sinh học của môn Khoa học tự nhiên; 2 giáo viên dạy 2 phần Lịch sử, Địa lý thì việc gộp những môn học này thành 1 nhằm giải quyết vấn đề gì, thưa ông?

Thế giới này vốn là một thể toàn vẹn, tích hợp. Con người phân tích nó thành các lĩnh vực khác nhau là để nghiên cứu cho sâu. Tùy vào sự phát triển của khoa học, mỗi lĩnh vực có thể được tiếp tục chia tách sâu hơn nữa. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay, xu thế chung của khoa học là nghiên cứu liên ngành. Có nghiên cứu liên ngành mới giải quyết được nhiều vấn đề mà từng ngành khoa học riêng rẽ không giải quyết được hoặc không giải quyết toàn vẹn được. Trong giáo dục đại học, một bậc học vốn thực hiện đào tạo chuyên môn hóa rất cao, cũng đã xuất hiện các liên ngành, liên môn để đào tạo những nhà chuyên môn có hiểu biết sâu rộng, có tầm nhìn bao quát, đủ năng lực để giải quyết các vấn đề của thực tiễn.

Giáo dục phổ thông là bậc học trang bị tri thức nền tảng và kỹ năng cơ bản cho người học càng phải thực hiện dạy học tích hợp. Dạy học tích hợp không chỉ giúp cho người học có hiểu biết tổng hợp hơn, từ đó, vận dụng kiến thức vào thực tiễn có hiệu quả hơn, mà còn giúp người học tiết kiệm thời gian học tập, nhất là khi kiến thức nhân loại tích lũy được ngày càng nhiều mà thời gian học phổ thông không thay đổi.

GS có lo ngại, sự thay đổi quá nhiều và quá nhanh trong giáo dục, trong đó có Chương trình GDPTTT khiến nhiều khi giáo viên, học sinh khó thay đổi và bắt kịp theo. Thực tế gần đây đã có nhiều chương trình cải cách giáo dục được cho là không thành công?

Phàn nàn về giáo dục không phải là chuyện chỉ xảy ra ở nước ta. Có lần, trên đường đi Bangkok, tôi đọc trên tờ The Nation của Thái Lan một bài báo có nhan đề “Một nền giáo dục đang xuống dốc”. Cứ tưởng người ta đề cập đến giáo dục Việt Nam, nhưng hóa ra bài báo chê giáo dục Thái Lan bằng những lời khá nặng nề. Bài báo còn có đoạn lấy giáo dục Việt Nam làm gương cho người Thái. Mới đây, báo chí Việt Nam cũng trích đăng ý kiến ông Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan khen giáo dục Việt Nam như một điểm sáng cần học tập.

Nguyên nhân của những lời than vãn thường xuyên về giáo dục không hẳn là tâm lý “đèn hàng xóm sáng hơn đèn nhà mình” mà là kỳ vọng quá lớn đặt vào giáo dục. Kỳ vọng lớn mà không tính đến điều kiện, môi trường thực thi thì thất vọng là phải. Có người đã từng đặt câu hỏi: “Vì sao chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam không bằng Mỹ?” Chỉ cần so sánh chi phí đào tạo một sinh viên Mỹ hàng chục nghìn USD/năm, với chi phí đào tạo một sinh viên Việt Nam vẻn vẹn vài trăm USD/năm cũng đủ thấy câu hỏi này rất khôi hài.

CT GDPT hiện hành được ban hành theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội và được triển khai trong toàn quốc từ 2002. CT hiện hành là một bước tiến so với các CT GDPT trước đó. Kết quả giáo dục trong gần 20 năm qua nói chung và kết quả những kỳ thi quốc tế mà học sinh Việt Nam tham gia như các kỳ thi Olympic Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học cấp THPT, các kỳ thi HS giỏi cấp tiểu học khu vực châu Á và Đông Nam Á và kỳ sát hạch cuối cấp THCS theo Chương trình PISA năm 2015 đã chứng tỏ tác động tích cực của CT hiện hành trong giáo dục thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, đất nước và nhân loại đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu mới về phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người. Do đó, chúng ta phải đổi mới CT GDPT.

CT mới có nhiều điểm mới so với CT hiện hành, nhưng vẫn kế thừa CT hiện hành về mục tiêu giáo dục con người toàn diện, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; về các phương châm giáo dục nền tảng như “Học đi đôi với hành”, “Lý luận gắn liền với thực tiễn”, “Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”; về hệ thống môn học; về những kiến thức cốt lõi, tương đối ổn định trong các lĩnh vực tri thức của nhân loại; về thời lượng dạy học,…

Do đó, các thầy cô và HS không có gì phải lo lắng. Chỉ có ai sức ỳ lớn quá thì mới phải lo.

Xin cảm ơn GS!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần