Chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV trên địa bàn Hà Nội: Đơn vị bầu cử số 4

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu đến cử tri của TP Hà Nội tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 4 gồm quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm.

Ngày 27/4/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, đã ký ban hành Nghị quyết số 559/NQ-HĐBCQG Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được ban hành kèm theo Nghị quyết, tại TP Hà Nội có số đơn vị bầu cử là 10; số đại biểu Quốc hội được bầu là 29 người; số người ứng cử là 49 người.
Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu đến cử tri của TP Hà Nội tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên đơn vị bầu cử số 4 gồm quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm. Số đại biểu Quốc hội được bầu: 3 người. Số người ứng cử: 5 người

1. ĐẶNG MINH CHÂU

(Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm)

Sinh ngày: 27/12/1956

TS Triết học; Đại học Phật giáo

Đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV;

Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương;

Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Hà Nội;

Phó Chủ tịch (không chuyên trách) Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội
Ứng cử viên Đặng Minh Châu.

Nếu tiếp tục được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1.Tham gia đầy đủ các kỳ họp, các hoạt động giám sát, khảo sát của Quốc hội. Tham gia đầy đủ các hội nghị tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau mỗi kỳ họp của Quốc hội; tiếp xúc cử tri chuyên đề, nơi công tác, nơi cư trú và tiếp xúc cử tri theo nhóm đại biểu.

2. Thực hiện tốt vai trò đại biểu Nhân dân, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mang tiếng nói của cử tri, đồng bào có đạo đến diễn đàn của Quốc hội. Đóng góp ý kiến trong xây dựng pháp luật, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của đất nước; tham gia ý kiến vào Luật Tín ngưỡng - Tôn giáo để phù hợp với thực tiễn.

3. Tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đóng góp ý kiến vào xây dựng các chủ trương lớn của Thành phố, góp phần tạo đồng thuận thúc đẩy kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển.

4. Phối hợp với đại biểu HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát chấp hành các nghị quyết của cơ quan dân cử; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đến đời sống văn hóa xã hội, đặc biệt là chăm lo đời sống tâm linh của Nhân dân.

5. Nêu cao tinh thần yêu nước; tăng cường đoàn kết các tôn giáo, đồng bào có đạo; thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo. Vận động các tăng ni, tín đồ Phật tử, đồng bào có đạo, Nhân dân quan tâm huy động mọi nguồn lực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện...

2. ĐINH TIẾN DŨNG

Sinh ngày: 10/5/1961

Cử nhân Kinh tế; Cao cấp lý luận Chính trị

Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII, XIII;

Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII

Đại biểu Quốc hội khoá XIV;

Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ứng cử viên Đinh Tiến Dũng.
Nếu tiếp tục được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, gương mẫu trong lối sống. Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân và Hiến pháp. Sâu sát cơ sở, gắn bó với Nhân dân.

2. Thực hiện tốt quyền giám sát của cơ quan dân cử, nhất là về một số lĩnh vực mà cử tri quan tâm; giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, kiến nghị của cử tri.

3. Tham gia đầy đủ, hiệu quả các kỳ họp, các hoạt động của Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Đề xuất Quốc hội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế, tạo hành lang pháp lý góp phần phát triển đất nước và Thủ đô. Tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích Nhân dân, gắn với phát triển Thủ đô trong giai đoạn sắp tới.

4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường phân cấp cho các cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng bộ.

5. Thực hiện hiệu quả 10 chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, chọn việc trọng tâm, trọng điểm, mang tính đột phá... để triển khai quyết liệt nhằm đạt mục tiêu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, giảm chênh lệch mức sống giữa đô thị và nông thôn; đưa văn hóa và con người Hà Nội trở thành giá trị tinh thần to lớn, động lực quan trọng để phát triển Thủ đô.

3. VŨ THỊ LƯU MAI

Sinh ngày: 22/8/1972

ThS Luật chuyên ngành Kinh tế; Cao cấp lý luận Chính trị

Đại biểu Quốc hội khóa XIV;

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Tiểu ban Đầu tư công của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội;

Phó Chủ tịch Hội nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Cộng hòa Séc;

Thành viên Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam
Ứng cử viên Vũ Thị Lưu Mai.
Nếu tiếp tục được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Đề xuất loại bỏ những quy định pháp luật có tính cục bộ, dẫn đến tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, gây thiệt hại ngân sách... Đề xuất sửa đổi luật về đất đai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu giá quyền sử dụng đất..., bảo đảm quyền lợi người dân, tránh thất thoát ngân sách; đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận, xác lập quyền sử dụng đất đai, nhà ở mà người dân sử dụng hợp pháp. Hoàn thiện chính sách thuế, phí, lệ phí, cắt bỏ khoản thu bất hợp lý, miễn, giảm thuế trong bối cảnh dịch bệnh. Cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện Chính phủ số, minh bạch hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch...

2. Tăng cường hoạt động giám sát ở các nội dung như: Tính minh bạch, hiệu quả trong sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình, tránh thất thoát, tham nhũng, lãng phí. Kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng, bình ổn giá trong dịch bệnh. Tích cực chống tham nhũng, kiểm soát, công khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng...

3. Tham gia đề xuất, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như: Tăng ngân sách phòng, chống, khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19. Tăng cường nguồn lực tài chính nhằm hoàn thiện, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trên địa bàn, hoàn thành dứt điểm các dự án hạ tầng. Thực hiện nghiêm lộ trình cải cách tiền lương. Huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

4. Giải quyết đơn thư; tiếp dân, lắng nghe kiến nghị cử tri. Tích cực bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em; tham gia hoạt động từ thiện...

4. LƯU HỒNG QUANG

Sinh ngày: 3/3/1982

ThS - Kiến trúc sư Quản lý đô thị và công trình; Sơ cấp lý luận Chính trị

Đảng ủy viên, Chi ủy viên Chi bộ 1, Phó Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Cơ quan Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội
Ứng cử viên Lưu Hồng Quang.
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Giữ mối liên hệ chặt chẽ, tiếp xúc với cử tri, lắng nghe và tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri, phản ánh trung thực, kịp thời đến Quốc hội, các cơ quan liên quan và những người có thẩm quyền xem xét giải quyết, nhất là giúp cho việc xây dựng, ban hành chính sách pháp luật được sát đúng với tình hình, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong thực tế.

2. Đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, có chế tài xử phạt cụ thể, rõ ràng, đủ sức răn đe, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả tình trạng bán hàng giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe con người, chất lượng nòi giống.

3. Đề xuất giải pháp về các lĩnh vực như: Phát triển đồng bộ giữa đô thị và nông thôn theo hướng bền vững; Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng theo quy hoạch; Hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị; tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến giao thông công cộng, thu hút người dân tham gia các phương tiện giao thông công cộng; Bảo vệ môi trường; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; triển khai công nghệ mới xử lý ô nhiễm môi trường; Rà soát các văn bản pháp lý đã ban hành, xem xét để phù hợp với tình hình phát triển của địa phương và xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch - kiến trúc - xây dựng - phát triển đô thị trên địa bàn Thủ đô.

5. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THÚY

Sinh ngày: 16/11/1983

ThS Khoa học giáo dục; Trung cấp lý luận Chính trị

Chi ủy viên; Chủ tịch công đoàn; Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Mỗ A - Quận Nam Từ Liêm
Ứng cử viên Nguyễn Thị Phương Thúy.
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Phát huy kiến thức, kinh nghiệm qua công việc và các hoạt động thực tiễn của mình, không ngừng rèn luyện, học tập, thực hiện được vai trò của người đại biểu Quốc hội.

2. Tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội.

3. Liên hệ chặt chẽ với cử tri, lắng nghe những ý kiến của Nhân dân ở nhiều lĩnh vực để mang tiếng nói của Nhân dân đóng góp vào công tác xây dựng pháp luật sát với thực tiễn, dễ đi vào cuộc sống, phù hợp với nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan.

4. Dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử. Luôn quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân.

5. Tiếp công dân theo quy định của pháp luật. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân sẽ nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người, cơ quan chức năng có thẩm quyền, xem xét, giải quyết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết.

6. Tham gia đóng góp ý kiến với các cá nhân đứng đầu các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, thành phố Hà Nội về những vấn đề mà cử tri và Nhân dân bức xúc, yêu cầu, kiến nghị...

Kinh tế đô thị cuối tuần