Chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV trên địa bàn Hà Nội: Đơn vị bầu cử số 5

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu đến cử tri của TP Hà Nội tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên Đơn vị bầu cử số 5 gồm các quận: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và huyện Hoài Đức.

Ngày 27/4/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, đã ký ban hành Nghị quyết số 559/NQ-HĐBCQG Công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước. Theo danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được ban hành kèm theo Nghị quyết, tại TP Hà Nội có số đơn vị bầu cử là 10; số đại biểu Quốc hội được bầu là 29 người; số người ứng cử là 49 người.
Báo Kinh tế & Đô thị trân trọng giới thiệu đến cử tri của TP Hà Nội tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của các ứng cử viên Đơn vị bầu cử số 5 gồm các quận: Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và huyện Hoài Đức. Số đại biểu Quốc hội được bầu: 3 người. Số người ứng cử: 5 người.

1. VŨ THÚY HIỀN

Sinh ngày: 2/8/1981

TS Luật Hiến pháp, Luật Hành chính; Cao cấp lý luận Chính trị

Bí thư chi bộ, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội
Ứng cử viên Vũ Thúy Hiền
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm người đại biểu của Nhân dân, phát huy vai trò tiền phong trong công việc. Tham gia đầy đủ, có trách nhiệm và chất lượng các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội. Phát huy kiến thức chuyên môn, tích cực tham gia công tác xây dựng, phản biện chính sách, pháp luật.

2. Liên hệ chặt chẽ, thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cử tri; cố gắng nghiên cứu để tham gia hiệu quả các hoạt động giám sát, xây dựng nghị quyết của Quốc hội theo hướng tăng cường đối thoại; tham gia giải đáp, giải quyết các thắc mắc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân... với những vấn đề thuộc thẩm quyền và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

3. Với lợi thế có kiến thức chuyên môn sâu về văn hóa - xã hội, tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn để có những đóng góp cụ thể, thiết thực, cùng Quốc hội giải quyết các vấn đề bức xúc trong lĩnh vực văn hóa - xã hội hiện nay góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn diện và bền vững.

4. Quan tâm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc và tiến bộ, chăm lo, nuôi dạy thế hệ trẻ; thúc đẩy bình đẳng giới một cách thực chất, trước hết là đảm bảo tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội; thúc đẩy phụ nữ nỗ lực để phát triển năng lực, trình độ...

5. Đặc biệt, quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường sinh thái; phòng, chống bão lũ; công tác an sinh xã hội, bảo trợ xã hội, xóa đói giảm nghèo nhằm giảm thiểu tối đa hậu quả của thiên tai, bão lũ.

2. VŨ TIẾN LỘC

Sinh ngày: 1/1/1960

TS Kinh tế; Cao cấp lý luận Chính trị

Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Chủ tịch Hội đồng Trung ương các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam;

Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ;

Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ứng cử viên Vũ Tiến Lộc.
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Gần gũi, tôn trọng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và mang tiếng nói của người dân tới nghị trường Quốc hội; đưa được hoạt động của Quốc hội về với cuộc sống thường ngày của người dân. Thực hiện đầy đủ chế độ tiếp xúc cử tri theo quy định, duy trì mối quan hệ mật thiết với cử tri và Nhân dân.

2. Nỗ lực đóng góp vào công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính, hoàn thiện khung khổ pháp luật, khắc phục cho được tình trạng thiếu minh bạch, chồng chéo, thủ tục hành chính phiền hà, gây khó khăn và không an tâm cho người dân và doanh nghiệp. Thúc đẩy thực thi, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức trong quan hệ với người dân và doanh nghiệp (mà PCI của VCCI là một công cụ).

3. Tham gia tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, tạo việc làm cho người dân, tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho doanh nghiệp, bà con nông dân, thu hút khách du lịch... Ưu tiên thúc đẩy giải quyết các vấn đề: An toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, xây dựng Thủ đô hiện đại, xanh - sạch - đẹp; tăng cường được các thiết chế văn hoá, phát huy truyền thống thanh lịch của người Hà thành, bảo đảm Thủ đô luôn là thành phố đáng sống tiêu biểu.

4. Góp phần đôn đốc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề bức xúc của người dân và doanh nghiệp. Giải quyết nhanh chóng các đơn thư và kiến nghị của cử tri, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp...

3. BÙI HOÀI SƠN

Sinh ngày: 24/10/1975

PGS,TS chuyên ngành Văn hóa; Cao cấp lý luận Chính trị

Ủy viên BCH Đảng bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Bí thư Đảng ủy - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam
Ứng cử viên Bùi Hoài Sơn.
Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa - Giáo dục; là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri, kịp thời đưa ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền...

2. Tập trung các vấn đề mang tính đột phá trong phát triển văn hóa Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ biện chứng giữa phát triển văn hóa và xây dựng con người, giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục, phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, văn hóa số...

3. Tham gia sửa đổi một số luật như: Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hoá... góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện để các ngành này phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới.

4. Phối hợp với các bộ, ban, ngành để tạo sự đột phá trong phát triển văn hoá như: Tổ chức diễn đàn văn hoá quốc gia để văn nghệ sĩ, trí thức đóng góp ý kiến cho việc phát triển văn hoá, nghệ thuật và xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hoá quốc gia để định lượng và tạo sự cạnh tranh trong phát triển văn hoá ở các địa phương.

5. Tập trung các vấn đề văn hoá then chốt của Thủ đô như: Thực hiện thành công Chương trình hành động mà Hà Nội cam kết với UNESCO cho danh hiệu “Thành phố sáng tạo”, từ đó để “sáng tạo” trở thành thành tố bao trùm mọi hoạt động của Thủ đô, lan toả những giá trị tốt đẹp đi khắp cả nước; xây dựng người Hà Nội văn minh - thanh lịch; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, làng nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống, không gian sáng tạo...
4. NGUYỄN HẢI TRUNG

Sinh ngày: 6/10/1968

TS chuyên ngành Quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; ThS Luật;

Cử nhân chuyên ngành Điều tra tội phạm; Cao cấp Lý luận chính trị

Trung tướng;

Ủy viên BTV Thành ủy;

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an TP Hà Nội
Ứng cử viên Nguyễn Hải Trung.

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1. Không ngừng học tập, nâng cao trình độ năng lực; sâu sát cơ sở, gắn bó mật thiết, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Gương mẫu giữ gìn phẩm chất, đạo đức, tư cách đại biểu Quốc hội, đảng viên, người chiến sĩ CAND; phát huy kinh nghiệm đã tích lũy, tận lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, sự gửi gắm của cử tri.

2. Tham gia đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các buổi tiếp xúc cử tri theo chương trình làm việc. Thường xuyên lắng nghe, tiếp thu ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Tham gia tích cực vào quá trình cải tiến hoạt động của Quốc hội; tham gia giải đáp, giải quyết các thắc mắc, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân với những vấn đề thuộc thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

3. Đóng góp với Quốc hội về xây dựng pháp luật, về sửa đổi, bổ sung những luật còn chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn. Đề xuất với Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, đề cao giám sát xã hội, giám sát Nhân dân. Phối hợp với đại biểu HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát của cơ quan dân cử.

4. Là Ủy viên BTV Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an Thành phố, tôi sẽ nỗ lực cùng hệ thống chính trị Thủ đô tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại đội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, giữ vững ổn định ANCT, đảm bảo TTATXH góp phần tạo dựng môi trường xã hội Thủ đô trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, ổn định.

5 . NGUYỄN NGỌC YÊN

Sinh ngày: 16/11/1972

Cử nhân Hành chính học; Trung cấp lý luận Chính trị

Phó Trưởng phòng Quản lý - Giáo dục - Nuôi dưỡng, Trung tâm Bảo trợ Xã hội III của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội
Ứng cử viên Nguyễn Ngọc Yên.

Nếu được cử tri tín nhiệm bầu là đại biểu Quốc hội khóa XV, tôi cam kết thực hiện chương trình hành động như sau:

1.Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp; tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp toàn thể của Quốc hội; tham gia đầy đủ các hoạt động của đại biểu Quốc hội; tham gia, thảo luận các vấn đề thuộc nhiệm vụ quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

2. Thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri tại địa phương để lắng nghe, tìm hiểu, tâm tư nguyện vọng của cử tri, thưc hiện tốt vai trò làm cầu nối giữa cử tri với Quốc hội; trực tiếp phản ánh trung thực, kịp thời, những kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của cử tri với Quốc hội, với cơ quan hữu quan, để được xem xét, giải quyết kịp thời.

3. Dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Khi nhận được khiếu nại tố cáo, kiến nghị của công dân sẽ nghiên cứu kịp thời chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đồng thời giám sát, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết.

4. Không ngừng phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, chính trị: Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.

5. Là ứng viên nữ đại biểu Quốc hội, tôi luôn dành sự quan tâm đến những vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em...; đồng thời đề xuất lồng ghép giới trong xây dựng các chương trình dự án pháp luật về Bình đẳng giới.

Kinh tế đô thị cuối tuần