Chương trình hành động của ứng cử viên: Lời hứa và hành động

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình hành động của mỗi ứng cử viên khi vận động bầu cử đều thể hiện sự sâu sắc, tâm huyết, trình độ, năng lực và trách nhiệm cao, nhưng quan trọng hơn là khi trúng cử, họ phải nhớ thực hiện lời hứa đã nêu, đừng để tình trạng “lời nói gió bay”, “hứa suông”. Đó là ý kiến được nhiều cử tri đưa ra trong các cuộc tiếp xúc cử tri để ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV báo cáo chương trình hành động, vận động bầu cử đang diễn ra.

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại buổi tiếp xúc cử tri quận Nam Từ Liêm, chiều 7/5
Vận động bầu cử là giai đoạn hết sức quan trọng trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, để cử tri hiểu rõ hơn về người mình dự định sẽ bầu. Các ứng cử viên cũng thường đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động của mình với tư cách người ĐB tại Quốc hội và HĐND. Nếu trúng cử, họ sẽ có điều kiện thực hiện lời hứa trước cử tri. Lời hứa này có sức nặng khá lớn và là cơ sở quan trọng để các cử tri cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm ĐB dân cử. Cử tri cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để giúp ứng cử viên hoàn thiện chương trình hành động hay gửi gắm những mong muốn trong các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh, vấn đề đang được cho là nóng của xã hội.
Có thể nói rằng, từ những kỳ bầu cử trước cho thấy, đa số ứng cử viên đã đưa ra lời hứa đúng chuyên môn, tùy theo lĩnh vực công tác để đề ra mục tiêu “có thể làm được”, sau đó họ cũng ít nhiều thực hiện được điều đó. Qua vai trò đại biểu, họ đã có biện pháp, cách làm cụ thể để những cam kết nhanh chóng biến thành hành động và việc làm thực tiễn, mang lại niềm tin cho cử tri, đóng góp quan trọng cho hoạt động của Quốc hội, HĐND. Nhưng ngược lại, vẫn có ứng cử viên đưa ra chương trình hành động rất hay, rất hấp dẫn, nhưng khi trúng cử đại biểu thì không thực hiện đúng như lời đã hứa.

Cử tri cần một đại biểu nói phải đi đôi với hành động chứ không phải “hứa suông”, đó là ý kiến được nhiều người đồng tình. Bởi những “lời hứa trước dân” đó chính là cơ sở để cử tri xem xét, đánh giá ứng cử viên có đủ phẩm chất trở thành một đại biểu đại diện cho tiếng nói của người dân hay không. Cử tri khó có thể chấp nhận một bản chương trình hành động chung chung hay nặng về lý thuyết suông mà xa rời thực tế. Những lời hứa đó cũng là căn cứ để cử tri giám sát việc làm của các ứng cử viên khi đã được bầu làm đại biểu trong suốt nhiệm kỳ hoạt động của mình, nên khi đã hứa, các đại biểu phải cố gắng thực hiện, không hứa rồi để đấy.

Như nhiều ý kiến đã nhận xét, có bao nhiêu vấn đề xã hội đặt ra thì thường có bấy nhiêu cam kết và lời hứa trong các chương trình hành động. Mỗi lĩnh vực, mỗi lời hứa đều được cử tri đón nhận, bởi đều đề cập trực tiếp đến nhiều vấn đề quốc kế dân sinh hay yêu cầu bức thiết tại địa phương. Đáng lưu ý, ngoài chương trình hành động chung, nhiều ứng cử viên đã lên những kế hoạch cụ thể cho từng địa bàn ứng cử với những đặc thù, mong muốn riêng, đó là điều rất đáng hoan nghênh. Và đặt lên trên hết là yêu cầu nói tiếng nói của cử tri, tiếng nói của cuộc sống, của lòng dân để truyền tải tới Quốc hội, HĐND các cấp.

Vẫn biết để lời hứa thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng tôn trọng lời hứa của chính mình, thấu hiểu cử tri và thực hiện bằng chính hoạt động thực tế là điều quan trọng để giữ được niềm tin của cử tri. Cùng với tài năng, phẩm chất, sức nặng của lời hứa, đó là điều các cử tri mong muốn các ứng cử viên ghi nhớ sau mỗi chương trình hành động, các cuộc vận động bầu cử.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần