Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Nông dân tích cực vào cuộc

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hai năm triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh sự tham gia của các thành phần kinh tế khác, thành quả đến nay có đóng góp không nhỏ của các cấp Hội Nông dân và đông đảo hội viên.
Đổi mới sản xuất, kinh doanh

Nằm ven sông Hồng, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) là một trong những vựa rau lớn nhất của Hà Nội. Tổng diện tích canh tác rau màu của địa phương khoảng 300ha, với sự tham gia của hơn 1.500 hội viên nông dân, hàng năm cung cấp cho thị trường gần 30.000 tấn rau, củ, quả các loại.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, những năm qua, đơn vị đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho hội viên. Tổ chức giám sát chéo, hướng dẫn nông dân sản xuất bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, giảm tối đa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.
 Người tiêu dùng chọn mua hàng tại hội chợ hàng nông thôn mới diễn ra ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Nhờ áp dụng quy trình sản xuất tốt, 100% diện tích rau của xã Văn Đức đã được cấp giấy chứng nhận rau an toàn hoặc đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay, địa phương đã có 12 sản phẩm rau đạt 4 sao và 5 sản phẩm được đánh giá 3 sao trong Chương trình OCOP. Nhờ hiệu ứng từ OCOP, rau Văn Đức đã và đang có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, bước đầu được xuất khẩu đi Đài Loan, Hàn Quốc…

Thành công trong phát triển Chương trình OCOP tại xã Văn Đức có thể xem là hình mẫu tiêu biểu cho những đóng góp của tổ chức Hội cũng như các hội viên nông dân. Với sự tham gia chủ động, tích cực của các cấp hội và đông đảo hội viên nông dân, đến nay, toàn TP đã có 624 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 - 4 sao và tiềm năng 5 sao Quốc gia.

Nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả

Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí đánh giá, những đóng góp của hội viên Hội Nông dân vào sự phát triển Chương trình OCOP thời gian qua là rất đáng khích lệ. Dù vậy, bà con nông dân sản xuất nhiều nông sản, thực phẩm nhưng quy mô còn nhỏ lẻ; chất lượng không đồng đều. Vấn đề an toàn thực phẩm vẫn là nỗi lo thường trực. Mặt khác, liên kết giữa nông dân với chính quyền, các tổ chức, DN còn lỏng lẻo, dẫn tới việc tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả hàng hóa bấp bênh…

Ông Nguyễn Văn Chí cho biết thêm, Hà Nội phấn đấu trong giai đoạn 2019 - 2020, sẽ đánh giá, phân hạng được 700 sản phẩm OCOP. Chính vì vậy thời gian tới, đề nghị các cấp Hội Nông dân tập trung phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, hướng dẫn nông dân lựa chọn, hoàn thiện sản phẩm để tham gia Chương trình OCOP. Về lâu dài, cần tiếp tục tạo điều kiện để phát triển và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả ở nông thôn…

Để góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình OCOP trong năm 2020, Chủ tịch Hội Nông dân TP Phạm Hải Hoa cho biết, thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của hội viên về vai trò, ý nghĩa của Chương trình. Tăng cường kích cầu tiêu dùng các sản phẩm OCOP nhằm tạo động lực cho các chủ thể trong đổi mới phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hội Nông dân TP cũng sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; quan tâm hỗ trợ nông dân lựa chọn nhóm các sản phẩm chủ lực, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến để tạo ra các mặt hàng có chất lượng cao tham gia vào Chương trình OCOP. Đặc biệt, thúc đẩy liên kết 6 nhà, tham gia chặt chẽ, hiệu quả vào lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản có sức cạnh tranh trên thị trường…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần