Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Đột phá trong công tác xây dựng Đảng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lấy thực tiễn làm cơ sở để xây dựng các chuyên đề, đề tài, Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVI) về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo ra những bước đột phá mới. Qua đó, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới.

Đổi mới và nhiều sáng tạo

Đảng bộ TP Hà Nội hiện có 50 Đảng bộ trực thuộc, với tổng số đảng viên là 447.087, chiếm khoảng 10% tổng số đảng viên của cả nước, sinh hoạt tại hơn 2.300 tổ chức cơ sở Đảng, là Đảng bộ lớn nhất cả nước. Tiếp nối những kết quả trong công tác xây dựng Đảng từ các nhiệm kỳ trước, Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI tiếp tục xác định Chương trình 01-Ctr/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016 - 2020” là chương trình “xương sống, cốt lõi”.

Chương trình có phạm vi bao trùm, được nghiên cứu, ban hành sớm nhất và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, với 8 đề tài, chuyên đề và 5 nhóm chỉ tiêu, có tác động, ảnh hưởng lớn đến 7 chương trình công tác còn lại của Thành ủy.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy với Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội tháng 4/2020. Ảnh: Thanh Hải
Với nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác xây dựng Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ TP Hà Nội luôn thể hiện sự quyết liệt trong hành động; sáng tạo, đổi mới trong tư duy, biện pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình, nghị quyết đề ra. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị thường xuyên, đột xuất, Đảng bộ TP vừa xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn trúng và đúng những vấn đề cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đáng chú ý, các cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng, có tính đột phá để tập trung lãnh đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 5 nghị quyết chuyên đề, đây là số lượng nghị quyết chuyên đề lớn nhất trong nhiều nhiệm kỳ gần đây.

Đặc biệt, công tác xây dựng các nghị quyết được gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh ngay từ cơ sở. Nhiều vấn đề mới, khó đã được các cấp, ngành của TP chủ động thực hiện. Trong đó, trên cơ sở sâu sát thực tiễn, Thành ủy ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4/7/2017 và Chỉ thị 15-CT/TU ngày 16/12/2016. Qua đó, hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã có những giải pháp bài bản, tạo chuyển biến trong nhận thức của cán bộ, đảng viên về xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn với nhiều yêu cầu, nhiệm vụ giải pháp cụ thể, tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc phức tạp đạt trên 85%. Việc củng cố, kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từ cơ sở, là tiền đề cơ bản để tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 của 17.118 chi bộ, hơn 2.300 tổ chức cơ sở Đảng thành công tốt đẹp.

Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt việc đối thoại trực tiếp với dân, chỉ đạo xử lý kịp thời những vụ việc nổi cộm, bức xúc của Nhân dân mà chính quyền cơ sở chưa giải quyết hiệu quả, để kéo dài, xóa các “điểm nóng”. Tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp đã lan tỏa niềm tin của Nhân dân về một Đảng bộ hành động ngày càng được nâng cao.

Đột phá vào công tác tổ chức - cán bộ

Xác định công tác tổ chức, cán bộ - lĩnh vực “then chốt” của “then chốt”, với Chương trình 01-CTr/TU, Thành ủy, các cấp ủy TP Hà Nội đã dành nhiều công sức củng cố, sắp xếp, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy của cả hệ thống chính trị. Mặc dù phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn, phức tạp, nhưng luôn bảo đảm đoàn kết, thống nhất, tạo nhiều bước đột phá, chuyển biến mạnh trong thực tiễn.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, TP đã quyết liệt đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Khi mới triển khai, không ít ý kiến lo ngại với khối lượng công việc rất lớn của TP cần giải quyết, sẽ khó mà tinh gọn lại bộ máy, con người. Tuy nhiên, từ sự chỉ đạo quyết liệt và làm gương từ Thành ủy, cùng những cách làm bài bản, khoa học từ công tác tuyên truyền, vận động đến việc xây dựng các phương án sắp xếp, bố trí bộ máy, nhân sự, đã tạo được sự đồng thuận cao, không xảy ra đơn thư, khiếu kiện phức tạp.

Ban Thường vụ Thành ủy đã đi đầu sắp xếp, củng cố, kiện toàn các Đảng bộ trực thuộc Thành ủy giảm từ 59 xuống còn 50 Đảng bộ; hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị gồm các ban Đảng Thành ủy; củng cố, kiện toàn, chuyển giao, giải thể 215 tổ chức cơ sở Đảng trong DN đã cổ phần hóa, thoái vốn về trực thuộc Đảng bộ quận, huyện, thị xã và Đảng bộ Khối. Chỉ đạo sắp xếp giảm 5 Ban chỉ đạo thuộc Thành ủy, 74 Ban chỉ đạo do UBND TP thành lập. TP cũng sắp xếp giảm 21 ban quản lý dự án và 121 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TP, 45 đơn vị chuyên môn thuộc sở, ngành TP; giảm 110 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện; chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm tự chủ chi thường xuyên và phấn đấu nâng mức tự chủ chi đầu tư đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở 257 đơn vị.
Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trước yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ được coi là vấn đề căn cốt, nhằm khắc phục tình trạng ách tắc, trì trệ trong thực thi công vụ. Đặc biệt, đối với công tác đánh giá cán bộ, với việc thực hiện Chương trình 01-CT/TU, yêu cầu đổi mới vấn đề này theo hướng thực chất đã được các cấp ủy, chính quyền thực hiện một cách bài bản, sáng tạo và đạt hiệu quả thực tiễn cao. Trong đó, căn cứ các quy định, hướng dẫn của T.Ư về đánh giá cán bộ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU, ngày 8/11/2017 về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý. Với việc cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá theo từng chức danh cán bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, tổ chức Đảng và đặc thù Thủ đô... Lấy chất lượng công việc làm công cụ, thước đo đã phát huy tác dụng, tỷ lệ cán bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm nhiều so với trước, nhưng việc không cào bằng đã đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt cần phải nỗ lực hơn, điều hành công việc sát sao hơn.
Tiếp theo đó, giữa năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục có Quyết định số 3814-QĐ/TU ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP. Đây cũng là sự chủ động của Thành ủy Hà Nội thực hiện một trong tám nhiệm vụ của Nghị quyết 26-NQ/TƯ (Khóa XII). Khi công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm nguyên tắc đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao trong các cấp ủy, đơn vị, là động lực thúc đẩy, phát huy nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ TP.

Kết quả đánh giá cán bộ là cơ sở quan trọng để các cấp ủy thực hiện công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Việc đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm... được tăng cường. Việc quyết liệt đổi mới công tác cán bộ đã dần hình thành đội ngũ cán bộ, công chức các cấp đủ năng lực, trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Tăng trách nhiệm, rõ hiệu quả

Với những đột phá trong công tác xây dựng Đảng, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ từ TP đến cơ sở được nâng lên, góp phần giải quyết tốt những vấn đề lớn phát sinh trong thực tiễn. Trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp, phương pháp chỉ đạo, điều hành có sự đổi mới mạnh mẽ theo hướng sâu sát, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”, “một việc, một đầu mối xuyên suốt”. Việc phân cấp và ủy quyền từ TP xuống cơ sở được tăng cường, nhất là các lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, vệ sinh môi trường… gắn với trách nhiệm cụ thể.

Trong hai năm liên tiếp (2018, 2019), TP Hà Nội chọn chủ đề là “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong xây dựng hệ thống chính quyền các cấp theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và DN là thước đo đánh giá chất lượng.

MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội cũng không đứng ngoài cuộc, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, trong đó vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được phát huy rõ nét, với hơn 23.350 cuộc giám sát, 5.650 hội nghị phản biện. Qua đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, kịp thời giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc từ cơ sở, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân ngày càng chặt chẽ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện. Đó là năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy cơ sở còn hạn chế; cá biệt, có cấp ủy mất vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, để xảy ra những vụ việc nổi cộm, bức xúc. Còn có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Công tác đấu tranh ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa đạt kết quả như mong muốn… Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và những kết quả đã có, chính là kinh nghiệm quan trọng để Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng Đảng trong giai đoạn tiếp theo.

Đề cao công tác kiểm tra, giám sát

"Trong nhiệm kỳ tới, với việc xác định lấy xây dựng Đảng là một trong những khâu đột phá chính, cùng với đề cao hơn tính chiến đấu, tính tiền phong của tổ chức Đảng, một vấn đề cũng nên chú trọng và xác định rõ là công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Kể cả trong xây dựng tổ chức, quản lý tổ chức, từ quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, đề bạt, quản lý, xử lý cán bộ... Bởi lẽ điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến mọi hoạt động của tất cả các cơ quan công quyền và cuộc sống của người dân TP. Nếu Đảng mạnh, sẽ có hệ thống chính trị mạnh, sức mạnh đoàn kết giữa Đảng và Nhân dân được tăng cường, bảo đảm Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, không ngừng phát triển bền vững." - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An


Làm tốt hơn nữa việc phê và tự phê

"Trong nhiệm kỳ vừa qua, dù trong hoàn cảnh nào, Đảng bộ TP luôn chú trọng xây dựng đoàn kết trong Đảng và coi đây là vấn đề cốt tử, luôn được đặt lên hàng đầu; phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, chú trọng sự nêu gương, xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh từ cấp TP tới cơ sở. Tôi thấy đây là những điểm mạnh cần phát huy trong nhiệm kỳ tới, đặc biệt với Chương trình công tác về xây dựng Đảng. Trong đó, cần cụ thể hóa thành tố "gương mẫu" đã được xác định trong chủ đề Đại hội, đưa vào chương trình để Đảng bộ Hà Nội luôn luôn là Đảng bộ mạnh cả về trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, đoàn kết thống nhất. Việc gương mẫu đi đầu không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của Hà Nội. Đồng thời với đó, tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa về việc thực hiện các quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Đặc biệt, về phê bình và tự phê bình tại các chi bộ cơ sở, chúng ta đã làm hiệu quả rồi nhưng cần nhìn nhận lại và khắc phục cho được tình trạng “tuy có chuyển biến những nặng về hình thức”.

Một điều nữa, tiếp tục tạo bước chuyển mới trong công tác cán bộ tốt, làm các khâu từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, luân chuyển, chính sách cán bộ thật bài bản, chặt chẽ. Trên cơ sở quy định đã có, công tác đánh giá cán bộ phải khách quan, công tâm về điểm mạnh, điểm yếu của cán bộ, để thực sự giúp nâng chất lượng đội ngũ." - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng,  PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc


Làm tốt xây dựng Đảng mạnh từ cơ sở

"Trong rất nhiều vấn đề được đặt ra, làm tốt công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng là một yếu tố quan trọng. Bởi nếu tổ chức cơ sở Đảng vững, đoàn kết, có ý thức, năng lực xây dựng Đảng tốt, sẽ trực tiếp làm cho Đảng bộ đó mạnh và góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Ngược lại, nếu Đảng bộ đó mất đoàn kết, không nắm vững nguyên tắc xây dựng Đảng sẽ sinh ra nhiều chuyện. Đó là những vấn đề Hà Nội đã chú trọng trong nhiệm kỳ qua và cần tăng cường hơn nữa trong nhiệm kỳ tới. Cùng với đó, việc tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân cũng sẽ giúp cho các cấp ủy Đảng phát hiện và giải quyết nhanh chóng những tồn tại yếu kém ở địa phương, đơn vị mình, giải quyết kịp thời những vấn đề tồn tại, bức xúc trong dân. Qua đó, củng cố ngày càng vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Sự đồng thuận của Nhân dân chính là sức mạnh nội tại vô cùng to lớn với mỗi cấp ủy Đảng." - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, PGS.TS Nguyễn Văn Giang


Ở cấp cơ sở, sau sắp xếp, TP đã giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã; 2.708 thôn, tổ dân phố; 985 chi bộ và 33.583 người hoạt động không chuyên trách. Sau sắp xếp, tổ chức, bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đồng bộ, tinh gọn hơn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt. Chi thường xuyên của TP giảm mạnh, đến năm 2020 số chi thường xuyên chỉ còn bằng 51% so với đầu nhiệm kỳ, thấp hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước.