Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Hiệu quả những đột phá trong đánh giá cán bộ

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đánh giá cán bộ luôn được Thành ủy Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng, là cơ sở để phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bố trí đúng cán bộ.

Với việc thực hiện Chương trình 01-CT/TU của Thành ủy, yêu cầu đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng thực chất đã được các cấp ủy, chính quyền thực hiện một cách bài bản, sáng tạo và đạt hiệu quả thực tiễn cao.

Lấy chất lượng công việc làm thước đo

Đổi mới và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ là một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình 01-CT/TU của Thành ủy Hà Nội về xây dựng Đảng; xây dựng hệ thống chính trị của TP giai đoạn 2016 - 2020 đã được triển khai, với những kết quả nổi bật tạo thành điểm nhấn. Nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ khoa học, sát thực tiễn đã được ban hành làm cơ sở để thực thi. Trong đó, căn cứ các quy định, hướng dẫn của T.Ư về đánh giá cán bộ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU, ngày 8/11/2017 về đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý.
 Cán bộ UBND huyện Sóc Sơn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Phạm Hùng
Với việc cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá theo từng chức danh cán bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, tổ chức Đảng; Quy định đã bổ sung nhiều tiêu chí mới phù hợp với đặc thù Thủ đô theo từng chức danh... Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã mạnh dạn phân cấp, ủy quyền trong đánh giá cán bộ, do đó việc đánh giá sát thực tế hơn, giúp cho công tác đánh giá cán bộ được định lượng, có căn cứ cụ thể hơn, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch…
Thực tế triển khai ở các đơn vị cho thấy, trước đây không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo vẫn được xếp loại xuất sắc trong khi địa phương, cơ quan, đơn vị phụ trách vẫn “có vấn đề”. Nhưng với quy định mới đã giúp khắc phục tình trạng này, bằng cách lượng hóa như “địa phương, cơ quan, đơn vị mà cán bộ phụ trách phải hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó có ít nhất 70% chỉ tiêu (nhiệm vụ) hoàn thành vượt mức” mới được đánh giá xuất sắc. Với cách đánh giá theo hướng lấy chất lượng công việc làm công cụ, thước đo đã phát huy tác dụng, tỷ lệ cán bộ được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảm nhiều so với trước, nhưng việc không “cào bằng” đã đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt cần phải nỗ lực hơn, điều hành công việc sát sao hơn. Đồng thời, cũng giúp cán bộ phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Qua đó, góp phần quan trọng giúp TP hằng năm đều hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển.

Thêm một bước tiến mới

Không chỉ tạo chuyển biến ở cấp TP, việc đổi mới đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý còn lan tỏa xuống các cấp ủy trực thuộc. 100% cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã cụ thể hóa thành các quy định phù hợp với đặc thù để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý. Giữa năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục có Quyết định số 3814-QĐ/TU ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP. Đây cũng là sự chủ động của Thành ủy Hà Nội thực hiện một trong tám nhiệm vụ của Nghị quyết 26-NQ/TƯ (Khóa XII). Sau khi TP triển khai, các cấp ủy, địa phương, cơ quan, đơn vị, tổ chức căn cứ quy định khung của Ban Thường vụ Thành ủy và đặc điểm, tình hình cụ thể của mình để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Nhiều ý kiến nhận định, các quy định này đã lượng hóa những tiêu chuẩn cụ thể theo từng vị trí công việc, tránh kiểu đánh giá cảm tính trước đây, là một bước tiến lớn, một “liều thuốc tốt” để phát huy kinh nghiệm của những đơn vị đã làm tốt. Đồng thời góp phần chấm dứt hoàn toàn sự hình thức, nể nang khi đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong nhiều đơn vị. Theo quy định, cấp nào, người nào trực tiếp lãnh đạo, giao việc, thì đồng thời thực hiện nhận xét, đánh giá, xếp loại. Kết quả đánh giá, xếp loại hàng tháng được công khai minh bạch. Sau hai năm thực hiện, thực tế từ cơ sở cho thấy, đổi mới công tác đánh giá cán bộ của TP đã giúp phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ; tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, đơn vị. Thời gian tới, với việc xây dựng và đưa vào vận hành phần mềm trong toàn TP, chắc chắn công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị sẽ ngày càng phát huy được hiệu quả tích cực.

Có thể thấy, khi công tác đánh giá, quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện công khai, dân chủ, bảo đảm nguyên tắc đã tạo nên sự đoàn kết, thống nhất cao trong các cấp ủy, đơn vị, là động lực thúc đẩy, phát huy nhiệt tình công tác của đội ngũ cán bộ TP.