Chương trình Sữa học đường tại Hà Nội: Những trái ngọt đầu tiên

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một năm triển khai, Chương trình Sữa học đường (SHĐ) TP Hà Nội bước đầu thành công, lan tỏa niềm tin và tạo động lực cho những địa phương khác trong cả nước. Đây là đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội tại hội nghị tổng kết chương trình SHĐ năm học 2018 - 2019 tổ chức chiều 6/8. Tới dự có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý trao thưởng cho các đơn vị triển khai hiệu quả Chương trình Sữa học đường. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả
Chia sẻ về những ngày trước khi thực hiện Chương trình SHĐ, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức Đặng Văn Viện cho biết, dù phát động Chương trình tới 3 lần nhưng tỷ lệ đăng ký tham gia chỉ đạt 56,7%, thậm chí có trường chỉ đạt tỷ lệ 8%. Tuy nhiên, sau 2 ngày đầu thực hiện Chương trình, tỷ lệ đăng ký tham gia của toàn huyện đạt 71%; sau một tuần đạt 80%; sau tuần thứ 2 đạt 92,7%. Sau 3 tuần, tỷ lệ học sinh (HS) tham gia Chương trình SHĐ của huyện Mỹ Đức đã đạt con số 99,4% và duy trì cho đến hết năm học, có 40/55 trường có số HS tham gia đạt 100%.
Chương trình SHĐ đã đem lại cho học sinh sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn dinh dưỡng tốt nhất và giúp các em được thụ hưởng đầy đủ, trọn vẹn các quyền lợi được nêu trong Công ước Quyền trẻ em, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của Việt Nam và quốc tế.

Để có được thàng công đó, Phòng GD&ĐT huyện Mỹ Đức đã kịp thời tham mưu UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình SHĐ. Đồng thời tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt sâu sắc về chủ trương của TP. Phối hợp chặt chẽ với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện.

Trong khi đó, năm học 2018 – 2019, quận Bắc Từ Liêm có 64 phường với 246 nhóm trẻ lớp mẫu giáo độc lập tư thục, 40.834 học sinh thuộc đối tượng thụ hưởng. Quận đã triển khai Chương trình SHĐ đến 100% các trường mầm non, tiểu học và các nhóm trẻ tư thục. Theo đó, có 36.309/40.834 HS tham gia, đạt 98%, trong đó nhóm trẻ tư thục tham gia đạt tỷ lệ 91,4%. Theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Thúy, để đạt được tỷ lệ thụ hưởng của các nhóm trẻ tư thục tham gia trên 90%, sau mỗi tháng, mỗi quý thực hiện Chương trình SHĐ, Phòng GD&ĐT quận rút ra những bài học kinh nghiệm và đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền trong Nhân dân, cha mẹ HS về ý nghĩa nhân văn của Chương trình.

Riêng quận Cầu Giấy, khi triển khai Chương trình SHĐ, tỷ lệ tham gia chưa cao (67,4%). Cụ thể, khối mầm non công lập đạt 89,4%; khối mầm non ngoài công lập đạt 29,4%; khối tiểu học công lập đạt 78,7%; tiểu học ngoài công lập đạt 17,3%. Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho rằng, tỷ lệ HS quận tham gia chương trình SHĐ chưa cao là do 100% các trường đã tổ chức cho HS uống sữa hàng ngày. Đồng thời, ngay từ đầu năm, các trường đã thỏa thuận với cha mẹ HS uống các loại sữa chất lượng cao do cha mẹ HS yêu cầu. Bên cạnh đó, trên địa bàn quận có một số trường mầm non có yếu tố nước ngoài không tham gia... Để Chương trình SHĐ năm tới đạt hiệu quả cao, Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy sẽ chỉ đạo các trường tăng cường công tác truyền thông để cha mẹ HS hiểu được lợi ích thiết thực và tính nhân văn của Chương trình SHĐ.

Nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, Chương trình SHĐ Hà Nội chính thức được triển khai đến tất cả cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học trên địa bàn TP vào ngày 2/1/2019. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 1.039.458 trẻ mẫu giáo và HS tiểu học tham gia chương trình SHĐ, đạt tỷ lệ 87,7%. Đáng chú ý, 16 quận, huyện đã hoàn thành tốt công tác tổ chức chương trình, với số trẻ đăng ký tham gia trên 90%. Trong đó, huyện Mỹ Đức có tỷ lệ cao nhất với 100% cơ sở giáo dục và 99,4% HS tham gia.

Trong năm đầu tiên triển khai, TP đã chọn Vinamilk là đơn vị cung cấp SHĐ theo kết quả đấu thầu công khai. Việc Sở GD&ĐT Hà Nội chọn Vinamilk là đơn vị cung cấp sữa cho đề án với mức hỗ trợ 23% (cao hơn mức mời thầu 3%), đã giúp tiết kiệm cho ngân sách TP hơn 300 tỷ đồng.

Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai, đồng thời nêu nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, các đơn vị tiếp tục giải pháp tuyên truyền tầm quan trọng dinh dưỡng của trẻ đến phụ huynh bằng các hình thức phù hợp. Bên cạnh đó, xây dựng những giải pháp nhằm tăng tỷ lệ trên 90% HS tham gia như chỉ tiêu đề ra trong đề án, đặc biệt đối với các quận, huyện hiện đang có tỷ lệ HS tham gia thấp. “Các quận, huyện kịp thời bố trí đủ kinh phí và cung cấp sữa đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo chất lượng, kiểm tra chặt chẽ ATTP, không để xảy ra sự cố trên địa bàn TP” - Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần