Chuột trong ngụ ngôn J.La Fontaine

TS Văn học Trần Thu Dung (Paris)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuột có nhiều loại: Chuột trù, chuột cống, chuột đồng, chuột nhắt, chuột bạch… Trong ngôn ngữ nước ngoài cũng có tên riêng cho từng loại chuột. Nhưng các nhà văn không phải nhà khoa học nên thường "cho tất cả vào một rọ", gọi là chuột hết.

Thật kỳ lạ, con vật bé nhỏ, hôi hám lại đứng đầu 12 con giáp. Chuột trở thành con vật linh thiêng trong tên gọi theo nguyệt lịch (lịch âm) của một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam. Năm Chuột được gọi là năm Tý. Hay ăn thóc lúa, nông sản, vậy mà chuột là con vật được gắn cho mùa màng tốt tươi. Năm nào chuột đồng xuất hiện nhiều, lúa trĩu hạt. Chuột khôn ngoan nhanh nhẹn dù bẩm sinh sợ mèo. Tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) vẽ đám cưới chuột hài hước, đằng trước có chú mèo chềnh ễnh ngồi đón đường, đàn chuột phải cống nạp cá tươi để mèo cho qua…

Minh họa trong ngụ ngôn Lafontaine ''Mèo và lão chuột''.

Đặc biệt, chuột xuất hiện nhiều nhất trong ngụ ngôn của J.La Fontaine. Ông là nhà văn nổi tiếng thế giới chuyên lấy các con vật là nhân vật chính của các truyện ngắn, thơ mang tính triết lý nhân văn. Nhân năm Canh Tý 2020, xin giới thiệu vài mẩu truyện ngụ ngôn liên quan đến con vật linh thiêng nằm trong tuần hoàn 12 năm của Việt Nam và Trung Quốc…

Hội đồng chuột. Kể về một hội đồng chuột được tổ chức họp bàn để diệt con mèo hung dữ luôn đứng trấn lỗ cửa, làm đàn chuột đói. Một lão chuột cố vấn, lấy chuông buộc cổ mèo lúc hắn ngủ, khi mèo đi đâu, chuông reo đấy là họ nhà chuột thoát được săn lùng… Tất cả hoan nghênh cho là đại kiến. Ai sẽ xung phong buộc chuông vào cổ mèo là vấn đề được đặt ra. Thế là tan hội đồng. Kết luận: Mọi lý thuyết nghị quyết đưa ra đơn giản nhưng thực thi là chuyện đôi khi viển vông, ảo tưởng. Nghị quyết đưa ra đôi khi không thực tế.

Dơi và hai con cầy hương. Một con cầy hương chỉ mê thịt chuột và bắt được dơi. Dơi van xin biện bạch: "Dơi không phải chuột nhưng ai cũng nhầm, cứ nhìn hai cánh của dơi, biết ngay dơi chẳng họ hàng anh em chi với chuột, dơi tôi là loài lông vũ". Cầy hương thấy đúng liền thả dơi đi. Lần sau con dơi này lại bị một cầy hương khác mê thịt chim tóm gọn. Dơi lại nhanh trí than: "Ông xem này tôi đâu phải chim, tôi chỉ có cánh giống thôi, chứ tôi là động vật không phải loài lông vũ, tôi là họ hàng nhà chuột". Thế là hai lần dơi đều thoát chết. Kết luận: Khéo ngụy biện là cách để sống an toàn của một số người.

Chuột và sư tử. Sư tử chúa sơn lâm muốn chứng minh sức mạnh của mình có thể cho ai quyền sống nơi lãnh địa của mình. Sư tử bắt được chuột đã tha cho chuột để tỏ ra uy quyền vĩ đại. Một ngày kia, sư tử bị rơi vào lưới bẫy của người. Tiếng gầm rít của sư tử, móng vuốt sắc, cũng không thoát được. Chuột nhắt đi qua, cảm ơn sư tử từng tha mạng sống nên đã dùng sự khéo léo đôi răng, cắt từ từ đứt hết các dây chão. Sư tử thoát chết. Kết luận: Đừng khinh sức nhỏ. Mỗi người có một khả năng, biết sử dụng đúng lúc đều có giá trị.

Mèo già và chuột trẻ. Chuột con bị mèo tóm, khôn thuyết phục mèo già rộng lòng cho nó cùng tồn tại vì nó bé nhỏ xíu, chờ nuôi nó mập hãy xơi… Mèo già đủ khôn nên chẳng tha chuột nhắt và nói "mày giảng cho mấy đứa điếc nó nghe"… Kết luận: Trẻ tưởng mình khôn, thuyết phục được già những điều vớ vẩn, ngây ngô… Người già lõi đời nên rất cứng rắn, cương quyết, thù dai, hay chấp và khó lừa được.

Gà chọi, mèo và chuột nhắt. Chuột nhắt đi loăng quăng về kể với mẹ, nó quan sát thấy con gà chọi hung hăng, bay được lên cao vỗ cách pẹt pẹt trông ghê lắm, còn con mèo trông dễ thương lắm, có đôi tai dài… mắt sáng rực… Mẹ chuột vội vã dặn con: "Ấy chết, con kia ghê nhưng không nguy hiểm, còn con lông mượt mềm mại là con hung hãn, chuyên ăn thịt chúng ta đấy!" Đừng chỉ nhìn bên ngoài mà đánh giá đạo đức của ai.

Ngoài ra cũng rất nhiều truyện ngụ ngôn của Lafontaine (1621 - 1695) nhắc đến chuột như Chuột nhắt, Mèo Hin và trống choai, Chuột và mèo hét… Chuột trong ngụ ngôn J.Lafontaine rất đa dạng với những bài học phong phú và đầy ý nghĩa giáo dục.

Chuột sinh sản nhiều, lủi trốn nhanh, cắn phá gạo thóc, thức ăn, quần áo, sách vở cũng nhanh, gieo rắc bệnh tật, nhất là bệnh dịch hạch rất nguy hiểm nên bị đa số nhân loại ghét bỏ.

Thậm chí các TP lớn còn coi đây là đối tượng làm nhiễu loạn vệ sinh mỹ quan công cộng, có đội hình cảnh sát môi trường tiêu diệt, song lại được nhiều họa sĩ, nhà văn nhắc đến. Chuột đôi khi còn được nuôi chơi, gọi là chuột cảnh. Chuột cũng có công khi là loài thường được nuôi làm thí nghiệm để nghiên cứu vaccine, thuốc chữa bệnh cho con người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần