Chuyển biến trong công tác thi đua khen thưởng

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, việc triển khai kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) của Hà Nội đã tạo sự chuyển biến, thay đổi rõ nét trong công tác TĐKT. Qua đó, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến được đẩy mạnh từ cơ sở đến TP.

Với vai trò quản lý nông sản, nông nghiệp, ATTP, thời gian qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có những đổi mới, sáng tạo, làm thay đổi diện mạo về tổ chức sản xuất cũng như vấn đề ATTP. Từ đó, thúc đẩy phong trào thi đua trong toàn đơn vị. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, một trong những sáng kiến điển hình là phát triển chuỗi liên kết với hơn 100 chuỗi được hình thành. Điển hình là HTX chăn nuôi Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Cuối năm 2016 đầu năm 2017 là giai đoạn thịt lợn rớt giá, nhưng mô hình này đi lên đúng lúc khó khăn để xây dựng chuỗi. Đến nay, HTX đã phát triển nhiều sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông bán ra thị trường cũng như xúc xích, thịt xông khói, giò, chả… Ngoài ra, chuỗi còn đầu tư trang thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất hiện nay của Đan Mạch.
Trong khi đó, nhờ đổi mới thi đua, Hội LHPN TP Hà Nội đã nhân rộng nhiều mô hình tiêu biểu: Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang; lợn nhựa tiết kiệm; đổi phế liệu giữ màu xanh… Từ đó, đã xây, sửa 186 mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa; trao quà, trợ cấp, trao sổ tiết kiệm, học bổng cho 41.283 trẻ em, phụ nữ nghèo; giúp 3.683 hộ thoát nghèo…

Với nhiều hình thức đổi mới, sáng tạo, mỗi phong trào, đợt thi đua, quận Long Biên đều xác định rõ chủ đề, nội dung tiêu chí đánh giá cụ thể, phù hợp. Qua các mô hình thi đua: Cựu chiến binh tình nguyện vì môi trường; chung tay giảm nghèo; cơ quan điện tử; trường học điện tử; mô hình “Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thân thiện, gần dân”… đã phát hiện, khen thưởng 178 gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt…

Tại huyện Gia Lâm, các phong trào thi đua tập trung vào lĩnh vực quan trọng, phức tạp như giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm, trật tự xây dựng đô thị, vệ sinh môi trường.... Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần, để huy động sự vào cuộc sâu rộng của các tầng lớp Nhân dân trong công tác xây dựng đường giao thông nông thôn, huyện đã phát động và nhân rộng mô hình “Nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công lao động làm đường làng ngõ xóm”. Đến nay, toàn huyện có 284 hộ dân tham gia hiến 2.260m2 đất ở, 31.530m2 đất nông nghiệp làm các công trình nhà văn hóa, nghĩa trang, giao thông thôn xóm, nội đồng, kênh mương; đóng góp hơn 22.000 ngày công lao động; qua đó nâng cấp cải tạo 162,7km đường giao thông nông thôn. Đến hết năm 2017, huyện có 20/20 xã được TP công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho rằng, để nâng cao chất lượng công tác TĐKT hơn nữa, các đơn vị cần khen thưởng một cách thiết thực, đúng người, đúng việc. Đặc biệt, phải làm tốt việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết nhân điển hình tiên tiến. Chú trọng khen thưởng sớm, động viên kịp thời những tấm gương trong cuộc sống hàng ngày. Từ đó, lan tỏa, nhân rộng những hành động cao đẹp để nhiều người cùng học tập, rèn luyện, noi theo.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần