Chuyện chưa biết về cô giáo xây dựng phần mềm hỗ trợ trẻ tự kỷ

Lưu Ly (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Đối với cô Nguyễn Thị Bích Diệp, trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội), 20 năm dạy trẻ tự kỷ đã chất chứa bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn cùng những trăn trở. Vì vậy, cô đã tự nghiên cứu và xây dựng phần mềm chuyên hỗ trợ trẻ tăng động, trẻ tự kỷ để nâng cao nhận thức, hòa nhập với cộng đồng.

Con đường chông gai

Ít ai biết, từ ngày còn là sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2, cô giáo Nguyễn Thị Bích Diệp đã làm gia sư dạy kèm một trẻ tự kỷ. Khi ra trường, cô cũng dạy một trẻ tự kỷ khác.
Lúc này, nhiệm vụ hằng ngày của cô là dạy trẻ luyện viết và không để ảnh hưởng đến lớp học. 

 Cô Nguyễn Thị Bích Diệp.
Cô Diệp cho biết: Vì đam mê, lòng yêu trẻ nên tôi lựa chọn con đường chông gai hơn nhiều đồng nghiệp khác, đó là chăm sóc, dạy dỗ trẻ em tự kỷ, trẻ mắc chứng tăng động, giảm tập trung. Trong quá trình dạy học, tôi nhận thấy ngày càng nhiều trẻ khó hòa nhập, làm sao bản thân tìm ra phương pháp để giúp những học sinh (HS) này phát triển bình thường, sớm hòa nhập.
Ra trường vào dạy ở trường Tiểu học Vĩnh Hưng và khi sang trường Tiểu học Tân Mai công tác, tôi luôn áp dụng nhiều cách như dạy học bằng tranh ảnh, bằng thẻ chữ, bằng trực quan sinh động… nhưng kết quả không được như mong muốn. Không thể bỏ mặc HS, tôi say mê tìm tòi, nghiên cứu và tự thiết kế một phần mềm dạy học cho trẻ khó hòa nhập. Khi xây dựng phần mềm, tôi cũng đã tìm hiểu kỹ càng về tâm sinh lý và nhận thức của trẻ. 
Ngoài thời gian giảng dạy tại trường, cô Diệp thường xuyên đến các Trung tâm hỗ trợ trẻ tự kỷ của các Tổ chức Phi Chính phủ để trò chuyện với trẻ; Tham gia nhiều khóa học về trẻ tự kỷ của Mỹ, Úc và Trung Quốc tập huấn tại Việt Nam nhằm bổ sung kiến thức về giáo dục trẻ đặc biệt.
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm học 2018 - 2019, cô Diệp đã sáng tạo ra phần mềm Hỗ trợ trẻ khó hòa nhập, tập trung dạy môn Toán và môn Tự nhiên xã hội ở trình độ lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Cô Diệp cho rằng, phần mềm dành cho trẻ khó hòa nhập phải được chú trọng nhiều về mặt hình ảnh, biểu tượng, sơ đồ tư duy để dễ tiếp thu. Khi sáng tạo phần mềm này, cô đã nghĩ rất nhiều đến sự khác biệt về nhận thức và tâm sinh lý của HS khó hòa nhập và HS bình thường.
Phần mềm có hướng dẫn cụ thể từng bước mà không cần internet HS vẫn có thể sử dụng được. Càng dùng càng quen, những HS khó hòa nhập dần dần tự tin, tiến bộ. Hiện tại, ngoài thời gian dạy ở trường, cô Nguyễn Thị Bích Diệp còn đi dạy cho những em mắc chứng tự kỷ nặng. 
Dạy học bằng tình yêu thương

Có lẽ việc dạy học chưa bao giờ là dễ dàng và càng nhiều chông gai hơn khi dạy trẻ khó hòa nhập. Nhiều lần, cô Diệp bật khóc vì dạy học 1 năm nhưng HS vẫn không biết nắm tay, chào hỏi… Tuy nhiên, không vì vậy mà bỏ cuộc, cô Diệp nhận thấy với tình yêu trẻ, yêu nghề thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Dạy học chiếm phần lớn thời gian trong ngày, tuy nhiên, cô Diệp luôn nhận được sự thông cảm, ủng hộ từ gia đình.
Cô Bích Diệp kể: Tôi nhớ nhất vẫn là em Trương Thăng. Mỗi khi đến trường, Thăng không nói gì và cứ lẳng lặng một góc. Nhận thấy như vậy, cô Diệp cố gắg tiếp cận để trò chuyện và truyền đạt những kỹ năng cơ bản của một đứa trẻ bình thường.

Ngày nào cũng vậy, cô luôn cùng Thăng thực hiện những hoạt động dù là nhỏ nhất trong học tập và rèn luyện. Có lần, cô như vỡ òa trong hạnh phúc khi được Thăng nắm tay.

HS Trương Thăng đã từng bước thay đổi qua các năm học. Và sau khi kết thúc 5 năm học tiểu học, Thăng biết đọc, biết viết, biết làm toán, viết văn thể hiện cảm xúc chân thực của mình. Đến thời điểm hiện tại, Thăng đã 18 tuổi và giúp đỡ mẹ được nhiều việc nhà.
Nhận xét về phần mềm của cô Diệp, ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho rằng, phải có sự nỗ lực và tâm huyết thực sự, đặc biệt là công việc giảng dạy cho trẻ em khó hòa nhập mới có thể nghiên cứu và tạo nên một phần mềm độc đáo và nhân văn như vậy.