Chuyện chưa kể về ca ghép tim đặc biệt

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 tuổi, bao ước mơ dang dở còn phía trước, mẹ gác lại việc làm thuê cuốc mướn, em phải gác lại chuyện học hành.

Cả gia đình dắt díu nhau vào bệnh viện (BV) vì bệnh tình nguy kịch của em – suy tim độ 4. Cuộc sống của em chỉ được tính bằng ngày, bằng giờ nếu không có điều kỳ diệu ấy xảy ra. Một ca ghép tim đặc biệt cho trẻ nhỏ tuổi nhất Việt Nam, và thành công ngoài mong đợi.

Hy vọng

Bệnh nhi Nguyễn Thành Đạt (thôn Tiền Huân, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bị phát hiện cơ tim giãn, suy tim giai đoạn cuối. Tại BV Tim Hà Nội và BV Việt Đức, các bác sĩ đã nỗ lực để cứu em bằng tất cả các phương pháp khác nhau nhưng đều thất bại. Tiếp nhận em khi bệnh tình quá nặng, sức khỏe suy kiệt, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch và Lồng ngực, BV Việt Đức khẳng định, chỉ có thể ghép tim mới cứu sống được bệnh nhi. Đó là điều chắc chắn bởi tim của em đã giãn quá to và không thể nào co bóp được nữa, dù có dùng đến thuốc trợ tim liều cao. Sự sống như ngàn cân treo sợi tóc, đã có lúc bác sĩ tưởng như buông tay chùng xuống vì không thể tìm được nguồn tạng để ghép cho em. Cuộc sống của em cứ lay lắt như ngọn đèn trước gió, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào.

Ca phẫu thuật ghép tim cho bé Đạt. Ảnh: Nam Trần

Trong lúc gia đình đang tột cùng thất vọng thì đúng thời điểm này có một thanh niên 19 tuổi bị chết não do tai nạn giao thông, gia đình đồng ý hiến tạng. Vậy là hy vọng lóe lên, nhưng điều lo lắng là mọi chỉ số có phù hợp hay không, lấy tiền đâu để ghép tim khi kinh tế gia đình quá khó khăn. Gia đình em đã bán hết cửa nhà và tiền bạc đi vay mượn mọi nơi có thể vay cũng chỉ được 200 triệu đồng, trong khi tiền ghép lên đến 700 triệu đồng. Hai vợ chồng chị Phương – bố mẹ Đạt không có công ăn việc làm ổn định, vợ đi làm thuê, chồng làm thợ mộc, nuôi hai con ăn học, nay một đứa mang bệnh trọng. Khi bác sĩ thông báo có trường hợp hiến tim, lòng chị Phương như lửa đốt, bởi thời gian dành cho con không còn nhiều, chỉ tính từng giờ, từng ngày. Nay, bệnh của con có thể được cứu, nhưng số tiền hơn 700 triệu đồng biết tìm đâu ra.

Không từ bỏ mọi hy vọng, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cùng tập thể BV quyết tâm dành cho cháu cơ hội sống. Họ - những người thầy thuốc, một mặt lo chuyên môn, sẵn sàng ca ghép, một mặt kêu gọi từ thiện để giúp đỡ gia đình.

14 tiếng cân não

Trước khi thực hiện ca ghép này, kíp bác sĩ xác định muôn vàn khó khăn, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, khó khăn đầu tiên là sự phù hợp về mặt kích thước tim giữa người cho và người nhận. Đối với ghép tim người lớn thì không cần đo đạc kỹ lưỡng, mà chủ yếu dựa vào phù hợp cân nặng và chiều cao. Với cân nặng giữa người cho và người nhận vênh nhau dưới 20%, tức tỷ lệ cho và nhận dưới 1,2 thì ghép rất tốt, từ 1,2 - 1,3 có thể ghép nhưng khó khăn, 1,3 - 1,5 rất hạn chế chỉ định ghép, trên 1,5 là không có chỉ định ghép tim. “Nhưng riêng trường hợp của bé Đạt, nếu so sánh cân nặng hiện tại thì vênh nhau gấp 3 lần, tức là 3,0. Nếu dựa vào cân nặng trước khi bị ốm thì vênh nhau 2,0. Trên thế giới, theo báo cáo, tỷ lệ vênh nhau trung bình là 1,5 - 2,0, và mức tối đa là 4,7. Vì vậy, bệnh nhi Đạt vẫn có thể chỉ định ghép với mức độ tương đối khó” - PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết. 

Bé Đạt ngày được ra viện.

Hơn thế, lại là ghép tim của người lớn cho trẻ nhỏ, nên các bác sĩ hoàn toàn trắng về kinh nghiệm thực hành. Thế nhưng, thời gian chuẩn bị cho ca ghép rất gấp gáp, không cho phép tìm tài liệu quốc tế để tham khảo. Đã vậy, khi đưa ra thảo luận, có nhiều ý kiến bàn lùi vì lo không thành công: Khi người hiến có trọng lượng 60kg thì quả tim hiến ghép cho cậu bé chỉ nặng 21kg sẽ xoay xở ra sao, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ.

PGS. TS Nguyễn Hữu Ước chia sẻ, quả thật, dù đã nhiều lần trực tiếp ghép tim, nhưng đây là một ca ghép đầy cân não với ông và ê kíp. Sau những đắn đo, cân nhắc, cùng với kinh nghiệm của hơn 10 ca ghép tim thành công, ông có niềm tin về tay nghề của mình. Hơn nữa, lúc đó, nếu không quyết đoán nhanh thì vừa phí quả tim của người hiến, mà cơ hội sống cho cháu Đạt càng ngàn cân treo sợi tóc, nên ông và ê kíp vẫn quyết tâm ghép tim cho cháu.

Ê kíp phẫu thuật đã phải thức trắng đêm để 7 giờ sáng hôm sau bắt tay ngay vào ca ghép. Các bác sĩ đo đạc tỉ mỉ kích thước buồng tim bằng siêu âm, X quang, chụp CT và nhận thấy tuy 80% kích thước tim người cho tương xứng với người nhận do tim cháu bé bị giãn to, nhưng 20% về chiều dài lại không tương xứng, còn trọng lượng người cho so với trọng lượng của cháu bé vênh nhau khoảng 300%, khiến việc ghép rất phức tạp.

Trong vòng gần 24 tiếng kể từ khi tiếp nhận cháu Đạt, các bác sĩ phải làm tất cả xét nghiệm, rồi hội chẩn, nghiên cứu, tính toán kích thước buồng tim, chọn phương án ghép tim phù hợp, bảo đảm an toàn nhất. Đó thực sự là 24 giờ vô cùng căng thẳng của ê kíp phẫu thuật. Đã vậy, trong quá trình mổ, phổi của cháu bị phù khiến cháu không thở được.

Nhưng với nỗ lực chuyên môn, tận tâm với người bệnh, sau gần 14 tiếng liền đứng bên bàn mổ, ca ghép tim đã thành công ngoài mong đợi. Và, đây cũng là ca ghép tim cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam từ trước đến nay.

Niềm vui vô bờ

Ca ghép đã thành công, nhưng suốt những ngày sau ghép, cả ê kíp đều căng thẳng dõi theo sức khỏe của bệnh nhân, hồi hộp theo dõi từng chỉ số với một tâm trạng thật lạ lùng, niềm vui đan xen lo lắng. Về phía gia đình, ngay sau ca ghép, chị Phương vỡ òa niềm vui, hạnh phúc. Chị nghẹn lời: “Các bác sĩ nói con tôi đã được sinh ra một lần nữa, tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ, cảm ơn gia đình người hiến tạng. Họ đã cho con tôi được hồi sinh, trong giây phút này, tôi không biết nói gì hơn”.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Hà – đơn vị Hồi sức tim mạch của Khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực cho biết, do gặp vấn đề về hô hấp nên 10 ngày sau ghép tim, bé Đạt mới thôi không phải thở máy hoàn toàn. Hơn một tháng sau ghép tim, bé Đạt vẫn bị phù phổi hết bên phải lại sang trái, rồi tràn khí màng phổi một bên, thậm chí có lúc cả hai bên, xẹp phổi nặng…, các y bác sĩ đã phải đặt - rút máy thở nhiều lần cho bé và nguy cơ nhiễm trùng khá cao.

Với thể trạng bệnh nhi quá yếu, lại được thực hiện ca ghép đặc biệt, việc chăm sóc hô hấp cho cháu vô cùng khó khăn, liên tục trong gần 2 tháng ròng sau ghép. Phải trải qua 2 lần bơm dính màng phổi và 6 tuần sau ca ghép tim, bé mới được rút ống dẫn lưu màng phổi. Hiện, bé Đạt sức khỏe dần ổn định, đã được về với gia đình, và tái khám một lần/ tháng để các bác sĩ tiếp tục theo dõi.

“Nỗ lực của chúng tôi, quyết tâm của gia đình và sự dũng cảm của chính bệnh nhi đã đem lại thành công ngày hôm nay” - PGS.TS Nguyễn Hữu Ước xúc động nói trong ngày tiễn bé Đạt ra viện. 

Thành công của ca ghép tim đặc biệt cho trẻ nhỏ tuổi nhất Việt Nam đã khẳng định trình độ tay nghề của các chuyên gia ghép tạng của BV Việt Đức không hề thua kém các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần