Chuyến công du của ông Donald Trump: Định hình hợp tác Mỹ - châu Á

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến công du của Tổng thống Donald Trump đã phần nào hé lộ phương hướng hợp tác của Washington tới với các quốc gia châu Á.

 Tổng thống Mỹ tại Hội nghị Mỹ - Asean ở Philippines

3 chân kiềng của chuyến đi
Rất nhiều vấn đề xuyên suốt trong chuyến công du 5 nước châu Á của Tổng thống Mỹ, nhưng thông điệp mà vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhấn mạnh nhiều lần đó là Washington kỳ vọng thúc đẩy thương mại công bằng và bình đẳng với mọi quốc gia, từ đồng minh tới đối tác. Kết thúc chuyến công du châu Á dài ngày hôm 14/11, Tổng thống Trump khẳng định sự thành công rực rỡ với các bản hợp đồng trị giá ít nhất 300 tỷ USD đã ký kết cũng như hé lộ tham vọng nâng gấp 3 con số này cho nước Mỹ trong thời gian ngắn.
Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, các thỏa thuận thương mại trong chuyến công du châu Á lần này đã nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác để đối phó các mối đe dọa từ Triều Tiên, vốn là mục tiêu tiếp theo của chuyến công du lần này. Trước chuyến công du của ông Trump, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích quốc gia Harry Kazianis nhận định, nghị trình "sẽ tập trung 90% vào Triều Tiên, 10% vào thương mại". Dự đoán này có phần đúng khi Triều Tiên là chủ đề chi phối suốt tuần đầu tiên Tổng thống Trump ở châu Á. Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc đều ủng hộ cách tiếp cận của Tổng thống Trump với Bình Nhưỡng. Và ở Bắc Kinh, ông nhắc lại cam kết của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
 Đặc biệt, với những phát biểu xuyên suốt các hội nghị và diễn đàn, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dần định hình chiến lược của Mỹ hậu “xoay trục sang châu Á”. Đó là quan điểm về duy trì thịnh vượng, hòa bình ở một khu vực rộng lớn hơn có ý nghĩa quan trọng đối với các lợi ích của Mỹ. Theo SCMP, việc sử dụng thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong các phát biểu lần này cho thấy quan điểm mở rộng khu vực, vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của Trung Quốc, nhấn trọng tâm vào Ấn Độ và Ấn Độ Dương. Tầm nhìn mới này mở ra khả năng Mỹ xây dựng một liên minh "tứ trụ" trong khu vực gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Đây là vấn đề rất được các nước trong khu vực quan tâm và đã dần được hé lộ sau chuyến thăm dài ngày của Tổng thống Trump.
Dấu ấn chặng dừng chân tại Việt Nam
Tạp chí Forbes khẳng định, Việt Nam thành công nhất trong số các quốc gia đón Tổng thống Mỹ trong chuyến công du lần này khi ông khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Kể từ khi nhậm chức cuối năm 2016, Tổng thống Trump từng điều một số tàu hải quân Mỹ tuần tra khu vực Biển Đông nhằm chứng minh quan điểm Washington luôn muốn duy trì tự do hàng hải và cũng nhắc lại điều này trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm 12/11.  Lời khẳng định trên cho thấy sự quan tâm của Tổng thống Mỹ đến những quan ngại của Việt Nam và chắn chắn sẽ không bỏ mặc vấn đề Biển Đông.
Thứ hai, trong chuyến thăm, lãnh đạo Mỹ và Việt Nam đã tiếp tục cam kết mở rộng hợp tác thương mại, trong bối cảnh Mỹ rời khỏi Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).  Trong chuyến thăm tới Việt Nam hôm 11/12, Tổng thống Mỹ chia sẻ mong muốn về thương mại hai chiều "công bằng và đối ứng". Dù bày tỏ kỳ vọng về một thị trường Việt Nam minh bạch và công bằng hơn, Tổng thống Mỹ vẫn mở đường cho một thỏa thuận thương mại giữa hai nước trong tương lai. Theo Forbes, đề nghị trên của Tổng thống Trump là sự ưu ái đáng kể dành cho Việt Nam bất chấp chủ trương "Nước Mỹ trên hết".

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần