Chuyện của người 25 năm làm lính, 60 năm làm thầy

Trung Đức
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mang trong mình ý chí kiên định của người lính đã được rèn luyện suốt 25 năm, Nhà giáo Ưu tú - Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh đã gửi tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục của Thủ đô vào ngôi trường do chính mình sáng lập – trường Phổ thông Nguyễn Siêu.

Kiên định với ngôi trường tư thục tiên tiến
Nói về nhiệt huyết cống hiến của những người thầy trong ngành giáo dục Thủ đô không thể không nói đến một trong những người tiên phong trong xã hội hóa giáo dục với việc thành lập trường Phổ thông Nguyễn Siêu: Nhà giáo Ưu tú, Đại tá Nguyễn Trọng Vĩnh. Ông kiên trì theo đuổi việc xây dựng ngôi trường tiên tiến, nhưng thuần Việt, góp phần rèn luyện, giữ vững văn hóa lối sống của người Việt Nam.
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh tặng hoa chúc mừng các học sinh đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Trung Đức.
Ông Vĩnh chia sẻ, sau 9 lần di chuyển, trường Nguyễn Siêu đã kiên trì đi lên 27 năm qua để trở thành một địa chỉ giáo dục tin cậy không chỉ của Thủ đô mà còn được quốc tế công nhận. “Không chạy theo kinh tế, đã làm giáo dục phải làm giáo dục chân chính” - đó là quan điểm của nhà giáo đã có 25 năm trong quân đội, trải qua nhiều vị trí thuộc nhiều binh chủng. Ông từng đặt chân trên nhiều chiến trường, có mặt ở Quảng Trị, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Campuchia... Từng bị thương nặng, đối mặt với sống chết, nhưng nhiệt huyết của người lính trong ông vẫn hướng về một ngôi trường bình yên, nơi HS có thể hưởng thụ một nền giáo dục tốt nhất.

"Vấn đề không chỉ là trường chất lượng cao của Hà Nội, mà phải trở thành trường có tầm vóc trong khu vực và quốc tế. Bởi vậy, chúng tôi đã phấn đấu để đạt được các tiêu chuẩn của một trường phổ thông Cambridge do đại học này công nhận. Không kể hết những khắt khe trong yêu cầu của họ để được đứng vào một trong số hơn 10.000 trường phổ thông Cambridge trên toàn thế giới, nhưng mục tiêu này chúng tôi đã đạt được." - Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Trọng Vĩnh

Chia sẻ về quyết tâm mở trường, nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, tất cả đều xuất phát từ lòng yêu nghề, mến trẻ, từ chí khí, quyết tâm của người lính. Đặc biệt là thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thi đua yêu nước, yêu nước phải thi đua”. Từ đó, các phong trào, hoạt động của nhà trường đều gắn với thi đua, trong đó đi đầu là thi đua dạy tốt – học tốt.

Giữ bản sắc văn hóa trong hội nhập

Có thể thấy rõ sự kiên định một định hướng giáo dục, rèn luyện đúng nếp người Việt, nhưng không bảo thủ, sẵn sàng vươn tới những giáo trị quốc tế tiên tiến ở ngôi trường này. “Tôi lấy giáo dục đạo đức làm hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình đào tạo. Đầu vào của nhà trường ban đầu còn thấp, vì là một trong những trường dân lập đầu tiên, không được lựa chọn. Muốn chất lượng thì phải rèn luyện nền nếp, các con phải chăm, ngoan mới học được. Quan điểm của trường là giáo dục đạo đức từ hành vi nhỏ để có nhân cách lớn” - ông Vĩnh chia sẻ.

25 năm qua, trường đã đi lên từ những cơ sở thuê mượn, chuyển đổi tới 9 địa điểm rồi mới có được cơ sở hôm nay, nhưng luôn được phụ huynh ủng hộ, tín nhiệm. Tạo được thương hiệu uy tín trong giáo dục, trường Nguyễn Siêu không dừng ở mô hình này mà tiếp tục đáp ứng kỳ vọng của phụ huynh cũng như nhu cầu của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao, hội nhập quốc tế.

Không trói buộc vào bất cứ mục tiêu nào đã đạt được, nguyên tắc mà ông Vĩnh đặt ra trong định hướng phát triển của nhà trường là phải đi trước, dẫn đầu. Vậy nên mô hình trường cung ứng dịch vụ chất lượng cao theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội năm 2006 đã được trường áp dụng đầu tiên. Đặc biệt, gắn với phong trào thi đua yêu nước, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được hội đồng nhà trường giải quyết để sau 10 năm kiên trì định hướng này, Nguyễn Siêu là trường đầu tiên được TP công nhận trường chất lượng cao.

Ngôi trường mơ ước hơn 25 năm tâm huyết của nhà giáo Nguyễn Trọng Vĩnh vẫn đang tiếp nối chặng đường đi lên phía trước để cho ra đời những công dân có tri thức, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần