Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phúc Thọ: Hướng phát triển bền vững

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân là thành quả của chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phúc Thọ, nhằm hướng tới mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững.

 Mô hình trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP ở Vân Hà cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phương Nga
Phát triển sản phẩm chủ lực

Với mục tiêu tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó, tăng diện tích rau, hoa, cây ăn quả thay thế cho những cây trồng truyền thống kém hiệu quả. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn cho biết: Để chuyển đổi hiệu quả, huyện đã hướng dẫn các xã lập đề án chuyển đổi và có các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các xã chuyển đổi có quy mô từ 50ha trở lên nhằm hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn.

Đến nay, toàn huyện đã hình thành các vùng trồng tập trung như: Bưởi tại Vân Nam, Vân Hà, Hiệp Thuận; chuối tại Vân Nam; rau an toàn tại Thanh Đa, Xuân Phú, Vân Phúc; hoa, cây cảnh tại Tích Giang, Tam Thuấn… Diện tích cây ăn quả liên tục được mở rộng lên 885ha. Nếu như trước đây, giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Phúc Thọ chỉ đạt từ 60 – 80 triệu đồng/ha/năm thì sau chuyển đổi, giá trị các mô hình đã tăng đạt từ 200 – 500 triệu đồng/ha/năm...

Hình thành chuỗi liên kết

Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn, để các mô hình đạt hiệu quả cao phải có sự liên kết với các DN nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Thực tế hiện nay, phần lớn các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện vẫn do thương lái thu mua nên giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì thế, để nâng cao giá trị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, huyện Phúc Thọ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút DN đầu tư.

Thời gian qua, huyện đã có những chính sách khuyến khích, tạo cơ chế mở để thu hút các DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Một số DN đã bắt tay với nông dân và đang hoạt động khá hiệu quả như DN Xuân Cầu sản xuất rau sạch theo công nghệ Israel tại Vân Hà, Công ty Vinacap sản xuất rau an toàn tại Cẩm Đình, Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc sản xuất rau củ quả chất lượng cao trong nhà màng, nhà lưới…

Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện thực sự là một luồng gió mới làm thay đổi nền nông nghiệp huyện Phúc Thọ. Đây là hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị canh tác cho người dân. Tuy nhiên, để chuyển đổi hiệu quả, các địa phương cần phải xác định được sản phẩm chủ lực. Từ đó tìm hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật canh tác. Tuyệt đối không chuyển đổi theo phong trào để dẫn đến tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, tập trung sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. "Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo yêu cầu tạo được vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, giữ ổn định hiện trạng mặt bằng và hạ tầng đất trồng lúa” – ông Tuấn nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần