Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Lựa chọn thế mạnh của từng địa phương

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao giá trị canh tác là nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, nếu không có quy hoạch phù hợp, các địa phương rất dễ rơi vào điệp khúc “được mùa, mất giá”.
Hiệu quả chưa cao
Sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT), huyện Thanh Oai đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả canh tác. Riêng năm 2016, huyện đã phê duyệt đề án chuyển đổi trồng cây ăn quả, chăn nuôi tập trung và rau an toàn được thêm 89ha. Tính đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.200ha, cho hiệu quả cao gấp 4 - 5 lần so với cấy lúa như mô hình nuôi trồng thủy sản ở Liên Châu 118ha, chăn nuôi tập trung ở Tân Ước 15ha, cam Canh tại Kim An 100ha… Tuy nhiên, theo ông Đinh Trường Thọ - Bí thư Huyện ủy Thanh Oai, sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn chưa thực sự phát triển theo hướng hàng hóa. Hơn nữa, chưa có nhiều DN tham gia liên kết đầu tư cùng người dân trong quá trình chuyển đổi, phần lớn là tự phát nên hiệu quả chưa cao.

Mô hình trồng lan tại xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ. Ảnh: Thắng Văn

Câu chuyện của Thanh Oai cũng là vấn đề mà nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội gặp phải hiện nay. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn TP đã DĐĐT được hơn 78.000ha, tạo điều kiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng tích cực. Qua đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng 25 - 30%, vùng sản xuất rau an toàn giá trị từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm… Mặc dù vậy, phát triển sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tốc độ tái cơ cấu chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa vững chắc, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp hiệu quả còn chưa như mong muốn.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Mạnh Quyền nhận định, hiện nay, các địa phương quy hoạch mô hình chuyển đổi cơ bản giống nhau như đều có hoa, rau, cây ăn quả, chăn nuôi… Nếu các huyện đều sản xuất như nhau thì nguồn cung sẽ vượt lên cầu và rớt giá. Thời gian qua, giá lợn thất bại cũng chính là bài học để đánh giá lại quy mô sản xuất cả TP, lựa chọn những sản phẩm lợi thế phục vụ cho nhu cầu, còn lại định hướng xuất khẩu để xác định lượng cung cho phù hợp.
Tập trung vào sản phẩm thế mạnh
Vụ cam Canh trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 được đánh giá là một trong những mùa vụ đáng buồn của nhiều nông dân ở ngoại thành Hà Nội khi giá chỉ còn ở mức 30.000 – 40.000 đồng/kg (những năm trước, dịp gần Tết có giá từ 70.000 – 100.000 đồng/kg mà vẫn “cháy hàng”). Nguyên nhân của tình trạng rớt giá do cam Canh được nhân rộng ra nhiều địa phương cả ở Hà Nội và các tỉnh khác. Chính vì vậy, theo ông Bùi Xuân Tùng – Phó Giám đốc Sở QH-KT, trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quy hoạch sản xuất nông nghiệp cần tập trung vào các sản phẩm đặc sản. Cùng với đó, để biến sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa có giá trị cao, phải liên kết lại thành vùng sản xuất lớn gắn với quảng bá, xúc tiến đầu tư thương mại.
Hiện nay, TP Hà Nội có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh như cam Canh, bưởi Diễn, phật thủ, gà đồi, hoa, cây cảnh, bò BBB… Do đó, việc mỗi địa phương căn cứ vào thế mạnh, sản phẩm đặc sản của mình để quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, có tính cạnh tranh cao là hết sức cần thiết. Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng cho biết, nhiệm vụ chính của ngành trong năm nay là đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, ATTP. Trong đó, ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản chuyên canh tập trung, quy mô lớn, phát triển bền vững. Đặc biệt, hình thành các chuỗi liên kết, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản.