Chuyển đổi cơ cấu vật nuôi sau dịch tả lợn châu Phi: Không làm theo phong trào

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), vấn đề chuyển đổi cơ cấu vật nuôi được xem là giải pháp tối ưu nhằm ổn định chăn nuôi và cân đối nguồn thực phẩm trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc người dân tái đàn ồ ạt và tự phát đang tiềm ẩn nhiều rủi ro

Quyết không “treo” chuồng
Xuất hiện từ tháng 2/2019, đến nay DTLCP đã lan rộng ra 24 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, thiệt hại gần 35.000 tấn lợn. Sau khi thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, toàn TP đã có 177 địa phương khống chế thành công dịch bệnh.
Tuy nhiên, do đặc thù của virus DTLCP rất nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine phòng bệnh, trong khi virus có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường và có sức đề kháng rất cao, khó kiểm soát nên các chuyên gia khuyến cáo người dân không tái đàn lợn trong thời gian này. Để ổn định cuộc sống, người chăn nuôi tại Hà Nội đã chủ động chuyển đổi sang vật nuôi khác.
 Chăn nuôi gà thương phẩm tại Ba Vì. Ảnh: Phương Nga
Gia đình bà Đồng Thị Ngư, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức là một trong nhiều hộ dân bị thiệt hại lớn bởi DTLCP, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 5 tấn. Sau khi tiêu hủy, gia đình bà đã lập tức vệ sinh, cải tạo chuồng trại chuyển đổi sang chăn nuôi gia cầm.
“Gia đình tôi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn hết hơn 200 triệu đồng, nếu giờ để không thì rất lãng phí. Do đó, tôi quyết định chuyển sang nuôi 200 con ngan và 300 con gà thịt, hy vọng bù lại thua lỗ do chăn nuôi lợn” – bà Ngư cho hay.
Tương tự, hộ gia đình ông Đông Văn Đặng ở xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai cũng phải tiêu hủy hơn 30 con lợn bởi DTLCP. Sau khi bị dịch, gia đình ông chuyển sang chăn nuôi ngan thương phẩm.
Theo ông Đặng, ngan là đối tượng dễ thích nghi, có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn, quay vòng vốn nhanh, phù hợp với việc chuyển đổi tạm thời. Hơn nữa, việc cải tạo chuồng trại từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia cầm cũng khá đơn giản, chi phí thấp.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, để đảm bảo ổn định ngành chăn nuôi, huyện đã chủ động chỉ đạo chuyển đổi vật nuôi ngay từ khi xuất hiện DTLCP. Đồng thời tổ chức chi trả sớm kinh phí tiêu hủy lợn mắc DTLCP cho người dân đầu tư sản xuất.
Theo đó, căn cứ vào điều kiện từng vùng, huyện đã khuyến khích các xã thuộc vùng trũng, có nhiều ao hồ được khuyến cáo chuyển sang chăn nuôi ngan, vịt; các địa phương khác chuyển sang chăn nuôi gà đẻ, gà thương phẩm.
Tránh tái đàn ồ ạt
Việc chuyển đổi vật nuôi để duy trì sản xuất tại các gia trại, trang trại bị DTLCP sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng về kinh tế, tạo nguồn thu tạm thời cho các hộ chăn nuôi. Đây cũng là giải pháp tối ưu giúp ổn định nguồn cung thực phẩm do thiếu hụt thịt lợn.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra lúc này là đa phần người dân chuyển sang chăn nuôi gia cầm, điều này sẽ khiến cho tổng đàn gia cầm tăng nhanh cục bộ. Trong khi đó, các hộ đều chuyển đổi theo hình thức tự phát, không chủ động được đầu ra cho sản phẩm, vì vậy rất có thể xảy ra nguy cơ thừa nguồn cung vào dịp cuối năm. Mặt khác, đa phần các hộ chăn nuôi lợn chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng bệnh gia cầm nên rất dễ xảy ra rủi ro dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, để chuyển đổi vật nuôi bảo đảm hiệu quả kinh tế và an toàn, các địa phương cần định hướng cho hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học.
Cùng với đó, căn cứ vào thế mạnh từng vùng để chọn đối tượng vật nuôi phù hợp, đa dạng vật nuôi như chăn nuôi gia cầm, trâu, bò… Đặc biệt, các địa phương cần khuyến cáo người dân không nên ồ ạt chuyển đổi mà thực hiện dần dần để vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, thăm dò được thị trường.

"Cùng với việc phòng chống bệnh DTLCP, các địa phương và người chăn nuôi cần triển khai ngay công tác phòng chống các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi khi trời chuyển sang mùa Thu và mùa Đông." - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn