Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi kinh doanh xăng E5: Hà Nội bảo đảm đúng lộ trình

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/1/2018, xăng sinh học (E5) sẽ thay thế hoàn toàn xăng khoáng RON 92, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 207/KH - UBND hướng dẫn các sở, ngành, UBND các địa phương, DN kinh doanh xăng dầu chuẩn bị cơ sở hạ tầng vật chất, kỹ thuật, nguồn cung.

Doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội đã khẩn trương chuyển đổi kinh doanh xăng RON 92 sang xăng E5. Thống kê cho thấy toàn TP Hà Nội có 489 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 175 cửa hàng xăng dầu đang kinh doanh và đã thực hiện xong việc chuyển đổi kinh doanh xăng E5. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 đạt trên 10.000m3/tháng, chiếm khoảng 9% tổng sản lượng tiêu thụ xăng trên địa bàn. Trưởng phòng Kinh doanh - Tổng hợp, Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội (PV Oil Hà Nội) Hoàng Thị Như Quỳnh cho biết: PV Oil Hà Nội là DN đầu tiên triển khai bán xăng E5 từ năm 2010 nên khi Thủ tướng chỉ đạo xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng RON 92, Công ty đã triển khai 17/36 cửa hàng (chiếm tỷ lệ 47%). Dự kiến đến 1/1/2018, 100% cửa hàng sẽ kinh doanh xăng E5. PV Oil Hà Nội cũng đã hút vét bồn cũ, súc rửa bể để không làm ảnh hưởng đến chất lượng xăng E5.

Mua xăng E5 tại cửa hàng xăng Nguyễn Lương Bằng. Ảnh: Lê Nam

Ghi nhận thực tế cho thấy, hệ thống kinh doanh xăng dầu Hà Nội đã sẵn sàng bán xăng sinh học E5 thay cho xăng RON 92 từ ngày 1/1/2018. "Về cơ bản hệ thống kinh doanh xăng dầu đã chuẩn bị xong cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Từ ngày 15/12, Sở sẽ kiểm tra toàn bộ hệ thống cửa hàng chuẩn bị chuyển đổi và đưa xăng E5 ra phục vụ người tiêu dùng" - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết.

Không lo thiếu nguồn cung

Mặc dù các DN kinh doanh xăng dầu đã sẵn sàng vào cuộc nhưng nhiều người tiêu dùng lo lắng, liệu nguồn cung xăng E5 có đủ đáp ứng nhu cầu thị trường? Về vấn đề này, thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy: Khi dừng tiêu thụ xăng RON 92, cần khoảng 5,4 triệu mét khối xăng E5 cung ứng ra thị trường, tương ứng 250.000 - 270.000 tấn nguyên liệu E100/năm để pha chế. Để thực hiện mục tiêu này, hiện cả nước có 4 nhà máy sản xuất, trong đó 2 nhà máy tại Đồng Nai và Quảng Nam của Công ty Tùng Lâm đang hoạt động với tổng công suất 200.000m3 ethanol/năm (200 triệu lít/năm), đủ để phối trộn 3,9 triệu mét khối xăng sinh học E5/năm. Hai nhà máy còn lại là Dung Quất và Bình Phước đang tích cực khởi động trở lại sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 200.000m3 xăng sinh học E5.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nêu rõ: Với công suất các nhà máy nhiên liệu trong nước hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu xăng E5 khi thay thế xăng khoáng RON 92 từ ngày 1/1/2018. Về cơ sở hạ tầng, hiện nay đã có 5 đầu mối kinh doanh xăng dầu có trạm trộn xăng E5 đều là các DN lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), Công ty TNHH MTV Dầu khí TP Hồ Chí Minh, Công ty MTV - Tổng Công ty Xăng dầu quân đội, Công ty CP Thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu có khả năng phối trộn, cung ứng thị trường trên 3 triệu mét khối xăng sinh học. Đồng thời cho phép DN kinh doanh xăng dầu nhập khẩu nhiên liệu sinh học E100.

Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội, để đảm bảo nguồn xăng E5 cho các DN kinh doanh xăng dầu, hiện có 4 trạm phối trộn xăng E5 cung ứng cho thị trường Hà Nội gồm 1 trạm phối trộn của Công ty Xăng dầu Khu vực I tại Tổng kho Xăng dầu Đức Giang đã được đưa vào hoạt động từ tháng 11/2014 với công suất là 21.000m3/tháng; 1 trạm phối trộn công suất hiện tại là 15.000m3, tối đa đạt 60.000m3/tháng đặt tại kho đầu nguồn K99 (Hải Phòng) của Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội; 2 trạm phối trộn của Tổng Công ty dầu Việt Nam (PVOIL) tại Tổng kho Đình Vũ (Hải Phòng) công suất 13.000m3/tháng (Từ ngày 1/1/2018 công suất pha chế xăng E5 tại Tổng kho Đình Vũ đạt 18.000m3/tháng).

Sở Công Thương Hà Nội trước đó cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng để người dân nhận thức đúng về xăng E5. Đồng thời, làm việc với các DN đầu mối xăng dầu để có phương án chuẩn bị nguồn cung khi triển khai thực hiện.

Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các DN đầu mối có trạm trộn xăng E5 thực hiện phương án nâng công suất, đáp ứng 100% nhu cầu xăng E5 trên địa bàn. Đồng thời, xây dựng chính sách về giá, thuế, phí, chi phí kinh doanh xăng E5 trong 2 tháng đầu tiêu thụ sản phẩm này để DN có lợi nhuận như đối với mặt hàng xăng RON 92 nhằm bảo đảm lộ trình chuyển đổi kinh doanh mặt hàng này.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội 

Trần Thị Phương Lan