Chuyển đổi mã mạng: Chủ thuê bao 11 số “thấp thỏm”

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các nhà mạng đưa ra cam kết hạn chế tối đa tác động của việc chuyển đổi mã mạng, song không ít người dùng vẫn lo lắng về những rủi ro, bất tiện khi thay đổi số điện thoại.

 Cửa hàng kinh doanh sim thẻ trên phố Kim Mã. Ảnh: Phạm Hùng
Người dùng lo lắng
Ngay sau khi Bộ TT&TT công bố Kế hoạch chuyển đổi mã mạng, các nhà mạng đã lên tiếng cam kết sẽ triển khai kế hoạch chuyển đổi không làm ảnh hưởng đến khách hàng. Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện VinaPhone cho biết, đơn vị dự định sẽ thực hiện nhiều hình thức truyền thông như: Poster/tờ rơi, banner website, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhắn tin trực tiếp đến từng khách hàng...
Ngoài ra, các phương án kỹ thuật cũng được VinaPhone lên kịch bản chi tiết, đồng thời chuẩn bị các âm thông báo chuyển đổi mã mạng, thông báo đến các đối tác nước ngoài và lên kế hoạch thử nghiệm phương án kỹ thuật chuyển đổi mã mạng đối với một vài dải số có ít thuê bao. “Trong thời gian tới, VinaPhone sẽ cung cấp công cụ hỗ trợ khách hàng chuyển đổi danh bạ trên điện thoại một cách dễ dàng” – đại diện VinaPhone tiết lộ.

Trong khi đó, đại diện MobiFone cho hay: “Sẽ làm tất cả các giải pháp để khách hàng thấy việc chuyển đổi mã mạng đơn giản”. Nhà mạng Viettel cũng có cam kết tương tự, đồng thời cho biết đang xây dựng hệ thống phần mềm để hỗ trợ, tương tự như trước đây hỗ trợ chuyển đổi mã vùng tự động thông qua ứng dụng My Viettel. Hai nhà mạng Vietnamobile, Gtel cũng đang xây dựng phần mềm để hỗ trợ các thuê bao chuyển đổi mã mạng từ 11 số sang 10 số thuận tiện nhất.

Mặc dù vậy, nhiều người dùng vẫn không khỏi lo lắng. “Tôi đã sử dụng sim 11 số tứ quý này làm số hotline của công ty từ 2 năm trước, nay chuyển về thuê bao 10 số chắc chắn sẽ phải in lại các banner quảng cáo, việc này cũng khá tốn kém thời gian và công sức” – ông Trịnh Hải Lâm - Giám đốc một công ty sản xuất tinh bột nghệ cho hay. 2 năm trước, khi Bộ TT&TT tiến hành đổi mã vùng điện thoại cố định, DN này đã phàn nàn rằng việc chuyển đổi khiến họ tốn kém thêm chi phí thay đổi bao bì, biển hiệu, card visit...
Tương tự, các DN kinh doanh vận tải, quảng cáo, sản xuất cũng tiêu tốn hàng trăm triệu đồng để in ấn lại các mẫu decal dán xe ô tô, biển bảng. Nay Bộ lại quyết định đổi mã mạng dù không gây thiệt hại nặng nề như trước nhưng việc thay đổi đầu số thuê bao di động từ 11 số sang 10 số cũng tác động không nhỏ tới người dùng và DN.

Chỉ thuê bao 11 số chịu ảnh hưởng

Theo một chuyên gia ngành viễn thông, kế hoạch chuyển đổi mã mạng lần này sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến những người đang sử dụng sim 11 số là số chính thức. Những người này sẽ phải tiến hành in ấn, thông báo lại các đối tác cũng như thay đổi các bảng hiệu kinh doanh. Rắc rối hơn cả là các trường hợp sử dụng sim 11 số để đăng ký các tài khoản mạng xã hội, tài khoản OTT (viber, zalo...), tài khoản email, các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm sẽ phải mất thời gian cập nhật lại thông tin với đơn vị cung cấp dịch vụ.
“Việc này gây khá nhiều phiền toái cho người dùng, giống như đợt vừa rồi chúng tôi phải xếp hàng hàng giờ đồng hồ để được bổ sung thông tin thuê bao và chụp ảnh chân dung” – anh Đỗ Duy Nghĩa (Ba Đình) chia sẻ. Đại diện một ngân hàng cũng xác nhận nếu hàng loạt chủ thẻ tới thay đổi số điện thoại liên lạc sẽ gây áp lực lớn về chi phí, nhân sự cho hệ thống ngân hàng. Các chủ thẻ sẽ phải đến ngân hàng để làm thủ tục thay đổi số điện thoại.

Trước đó, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về Kế hoạch chuyển đổi mã mạng do Bộ TT&TT chủ trì, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cũng thừa nhận, đợt chuyển đổi này có ảnh hưởng lớn đến nhà mạng cũng như người sử dụng. Sẽ có khoảng 60 triệu thuê bao di động 11 số và 700 thuê bao VSAT (mã để gọi giữa các trạm thông tin vệ tinh mặt đất) chịu sự tác động của kế hoạch này.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định, việc chuyển đổi thuê bao 11 số sang 10 số sẽ bắt đầu từ 15/9/2018 tới đây là để đáp ứng xu thế phát triển lâu dài của thị trường viễn thông, phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế số: Giao thông thông minh, y tế thông minh, hệ thống điện lực thông minh... tránh tình trạng thiếu kho số cho di động trong khi thừa kho số cho cố định. Tính toán của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho thấy, sau khi chuyển đổi, kho số sẽ có thêm 1 tỷ thuê bao đáp ứng nhu cầu phát triển đến năm 2050.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần