Chuyển đổi số: Xây dựng hệ thống y tế hiện đại, chất lượng

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, ngành y tế đã nắm bắt thời cơ, chuyển đổi số y tế hướng tới chuyển đổi số quốc gia, góp phần không nhỏ vào công tác ngăn chặn, phòng chống dịch Covid-19. Đặc biệt, chuyển đổi số y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế Việt Nam hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.

Chuyển đổi số y tế giúp kiểm soát dịch Covid-19
Thông tin tại hội nghị "Chuyển đổi số y tế quốc gia - Điểm sáng 2020" do Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức trong hai ngày 29 và 30/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số là chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh và chuyển đối số trong bệnh viện (BV). Để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số, thời gian qua, ngành y tế Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều hoạt động với những kết quả tích cực.
Đáng chú ý, trong năm 2020, nhờ đóng góp rất lớn của công nghệ đã giúp nước ta kiểm soát được dịch Covid-19. Thông qua chuyển đổi số, 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao. Toàn bộ hoạt động quản lý văn bản điều hành cũng được thực hiện trên môi trường mạng và được ký số.
 Chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Đặc biệt, Bộ Y tế đã khai trương Cổng công khai y tế để giúp người dân và DN tra cứu và giám sát toàn bộ thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế. 100% cơ sở y tế hiện nay trên cả nước triển khai hệ thống thông tin quản lý BV, triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, dùng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot trong điều trị, phẫu thuật hay áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, có 10 BV và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, có 23 BV đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

“Thời điểm dịch Covid-19, Bộ Y tế cũng triển khai hệ thống Teleheath – khám chữa bệnh từ xa với 1.300 BV tham gia. Đến nay, có 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở kết nối dữ liệu gần 12.000 trạm y tế trên toàn quốc vào hoạt động”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay.

Mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân

Liên quan đến lĩnh vực y tế dự phòng, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, sắp tới, ngành y tế sẽ triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng” với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trên cơ sở đó, người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc như là bác sĩ riêng với nhiều dịch vụ. Đó là dịch vụ xây dựng và triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân, bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ. Trong đó, thông tin sức khỏe của người dân được cập nhật kịp thời vào hồ sơ; phát triển hệ thống tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm…

"Với sáng kiến này, ngành y tế phát triển ứng dụng giám sát dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, DN, cơ sở y tế, mạng xã hội, chương trình điều tra, dự báo ổ dịch thông qua công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Cùng với việc phát triển ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân, ngành y tế cũng phát triển ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế”- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.

Đặc biệt, với việc chuyển đổi số trong BV, ngành y tế ưu tiên nội dung triển khai hệ thống phần mềm quản lý BV tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu. Ngoài ra, việc đồng bộ mã số định danh y tế (ID) sẽ sử dụng mã số BHXH của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc…

"Năm 2020, ngành y tế đã có những thay đổi về chuyển đổi số nhiều hơn so với hàng chục năm trước. Bộ TT&TT cam kết đồng hành cùng Bộ Y tế trong hành trình chuyển đổi số. Việt Nam có một lực lượng các DN công nghệ số hùng hậu, với gần 60.000 DN và trên 1 triệu lao động, sẵn sàng giải được hầu hết các bài toán của ngành y tế." - Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng


"Việt Nam đặt mục tiêu đến 2025, 100% cơ sở y tế thanh toán không dùng tiền mặt; 100% thực hiện khám chữa bệnh từ xa, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến; 100% người dân được định danh y tế; 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử và 15% trên tổng số 210 BV chuyển đổi số thành công. Thông qua chuyển đổi số, người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua ứng dụng và các trợ lý ảo. Thậm chí, người dân còn tự theo dõi, phát hiện tình trạng sức khỏe của mình dựa vào các thiết bị gắn trên người (thiết bị di động)." - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần