Chuyển động mới trong nếp sống ở chung cư của người Hà Nội

KTS Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người Hà Nội bây giờ, hình ảnh những khu đô thị mới (KĐTM) với các tòa chung cư bề thế, hiện đại loang loáng tường gương đã trở nên quen thuộc. Và người ta đã nhìn thấy từ đây những “chuyển động” mới trong lối sống, ứng xử của người Hà Nội.

 Ảnh: Công Hùng
1. Trong lịch sử phát triển nhà ở của người Việt, thì từ “chung cư” mới xuất hiện sau 1975, khi nước nhà thống nhất. Còn trước đó, ở miền Bắc, người ta chỉ biết đến khái niệm “nhà ở tập thể”, loại nhà do Nhà nước xây dựng hàng loạt từ 1 tầng mái ngói, đến 5 - 6 tầng bằng phương pháp lắp ghép bê tông đúc sẵn để phân phối cho cán bộ, công nhân, viên chức.
Nhà ở tập thể thời ấy còn đơn sơ, từ vật liệu xây dựng, kiểu cách kiến trúc đến tiện nghi; được quy hoạch theo mô hình tiểu khu của Liên Xô, nhà nọ cách nhà kia 2H (tức là bằng 2 lần chiều cao của ngôi nhà). Khu tập thể nào cũng có nhà trẻ, trường học, chưa kể đất trồng cây xanh, vườn hoa, sân chơi. Đặc biệt, do nằm trong nội thành, nên các khu tập thể rất gần bệnh viện, nhà hát, công viên… đi lại thuận tiện.
Sau này, do chính quyền đô thị buông lỏng quản lý, cư dân phát triển, tự ý cơi nới, hạ tầng kỹ thuật hư hỏng không cơ quan nào sửa chữa, nếu có cũng không đến nơi đến chốn vì thiếu kinh phí. Đất công cộng bị lấn chiếm làm nhà, họp chợ, bãi gửi xe… nên các khu nhà ở tập thể xây dựng từ thập niên 60 - 80 của thế kỷ trước hầu hết xuống cấp và biến dạng kiến trúc, ẩn chứa bao hiểm họa?!
2. Chừng 20 năm trở lại đây, các KĐTM phát triển nhanh với căn hộ ngày càng tiện nghi thỏa mãn nhu cầu ở của nhiều đối tượng. Với kiến trúc mang phong cách quốc tế, công nghệ xây dựng tiên tiến, được quy hoạch đồng bộ từ công trình đến hạ tầng kỹ thuật…, chung cư đã nhanh chóng tạo nên hình ảnh lãng mạn, ấn tượng của kiến trúc Việt thời mở cửa.
Sức hấp dẫn của các KĐTM đã làm thay đổi tư duy “ở” của người hàng phố. Nhiều gia đình bán những căn nhà ống chật chội, tối tăm trong các con phố nhỏ, ngõ nhỏ, đến ở trong các chung cư mới. Với lớp người trẻ tuổi thành đạt, thì việc sở hữu một căn hộ tiện nghi trong KĐTM sẽ làm họ thêm được vì nể trước mắt đồng nghiệp, bạn bè. Người tỉnh khác có tiền về Thủ đô làm ăn, thì đích ngắm đầu tiên là một căn hộ chung cư.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 700 KĐT và các dự án chung cư đã và đang được xây dựng. Các KĐT và dự án này chủ yếu tập trung ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Hoàng Mai với tổng diện tích đất xây dựng hơn 30.000ha, giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,2 triệu dân.

Trong đó, nhiều KĐTM được xây dựng có quy hoạch kiến trúc tốt, hạ tầng kỹ thuật hiện đại, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông công cộng và trục xuyên tâm… tạo môi trường sống tốt cho cư dân, như KĐT Ecopark, Mỹ Đình, Vinhomes riverside, Ciputra…
Nhưng cũng còn nhiều KĐT, chung cư bộc lộ bất cập trong quá trình sử dụng, bởi công tác quản lý xây dựng yếu kém, thiếu trách nhiệm, các chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận, tùy tiện thay đổi quy hoạch được duyệt, tăng mật độ xây dựng cho phép, hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, thiếu không gian xanh, nhà trẻ, trường học, sân chơi, nơi đỗ xe…
Có dự án ở KĐT Linh Đàm, nhà gần nhau đến nỗi, từ căn hộ nhà này có thể nhìn rõ sang căn hộ nhà kia. Người đến ở không biết cho con cái học ở đâu, thế là lại rồng rắn mẹ con, ông cháu sáng chiều đưa đón nhau vào nội đô để đi học trên con đường chẳng lúc nào là không tắc, kẹt xe.

Người Việt mình hầu hết xuất thân từ nông thôn, quen cách sống tự do, nên ra thành phố, sống trong chung cư vẫn luôn đau đáu nhớ lối sống ở làng. Từ thời bao cấp khó khăn, dù ở tít tầng 4, tầng 5 nhà tập thể vẫn nuôi gà, nuôi lợn.
Bước vào thời đổi mới, kinh tế phát triển, đô thị hóa làm thay đổi nhiều làng xã và làm cho nhiều người giàu lên. Hôm qua còn là làng quê, sáng mai ngủ dậy đã là phường, tổ dân phố. Cánh đồng làng trở thành KĐTM, dân quê thoắt trở thành cư dân đô thị. Sống trong các chung cư cao tầng, khu tái định cư mà vẫn như ở làng, coi cái thang máy là của riêng mình. Ở nhà căn hộ chỉ có mấy chục mét vuông, không biết kiếm tiền ở đâu, thế là đua nhau mở quán ngay trên căn hộ của mình. Hộ này bán cháo lòng, tiết canh; Hộ kia cắt tóc, gội đầu. Sáng ăn phở ở tầng 10, trưa ăn cơm ở tầng 14, muốn mua hộp thuốc đánh răng, chai lavie… đã có siêu thị mini ở căn hộ tầng 8.
Giao thông chiều thẳng đứng với cái thang máy thật thuận tiện, bấm nút một cái là ào ào lên xuống. Chung cư mới sử dụng một thời gian đã bộc lộ những bất cập, từ phí dịch vụ gửi xe, bảo vệ… cho đến chuyện mất nước triền miên, thang máy hỏng, tường trần nhà bong tróc vì nước thải thấm dột… Thế mới biết, có tiền có thể mua được rất nhiều thứ, kể cả căn hộ chung cư cao cấp, nhưng để có văn hóa sống trong chung cư thì không phải cứ có tiền là có!

3. Thế kỷ XXI là thế kỷ của đô thị hóa với 80% dân số toàn cầu sống trong các đô thị và nhà cao tầng. Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và chính sách ưu tiên phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ từ năm 2012 đến nay đã làm cho một bộ phận người nghèo đô thị hiện thực hóa giấc mơ nhà ở và góp phần làm cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển nhanh của thị trường bất động sản, cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trong quản lý đô thị.
Thứ nhất, kịp thời xem xét điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt để phù hợp với thực tế phát triển và nhu cầu xã hội. Đẩy nhanh quyết liệt, có hiệu quả các dự án đường sắt đô thị, xe bus nhanh (BRT) để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông công cộng từ khu vực vành đai, các KĐTM với nội đô.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao năng lực quản lý quy hoạch và thanh tra xây dựng. Kiên quyết xóa bỏ hiện tượng tiếp tay cho nhà đầu tư vì lợi ích nào đó, theo kiểu “điều chỉnh quy hoạch”, “điều chỉnh giấy phép xây dựng” hay “phạt cho tồn tại” để các KĐTM có không gian sống xanh. Thứ ba, đổi mới các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư theo hướng đảm bảo quyền lợi của người dân và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trước pháp luật.

Những ngày cuối năm, thị trường bất động sản Hà Nội sôi động với những giao dịch mua bán nhà chung cư và những dự án nhà ở được gọi là khu đô thị sinh thái hay chung cư xanh. Thế nhưng, đi một vòng quanh các vành đai 2, vành đai 3… của thành phố, không khó để nhận ra nhiều tòa chung cư vài chục tầng không có người ở, hay đang xây dựng dở phơi mình trong giá rét. Trong khi đó còn biết bao người đang có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Đó là những điều đáng suy nghĩ!

Việt Nam đang chuẩn bị bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của công nghệ thông tin, của đô thị xanh, đô thị thông minh, nhưng cũng đang phải hứng chịu những bất ổn do biến đổi khí hậu gây ra. Vì thế, tạo dựng không gian sống xanh, an toàn, bền vững không chỉ là mục tiêu chính trị, mà là trách nhiệm của chính quyền đô thị, của các kiến trúc sư, các chủ đầu tư và của cả mỗi cư dân sống tại nơi đó.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần