Chuyên gia đầu ngành hiến kế phát triển ngành hoa, cây cảnh ở Hà Nội

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lợi thế lớn về sản xuất, thị trường… tuy nhiên, ngành sản xuất hoa, cây cảnh của TP Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Vì vậy, TP cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để phát triển ngành sản xuất hoa, cây cảnh thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đây là ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học tại Hội thảo “Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất hoa cây cảnh, cây ăn quả và xử lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp” do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Làm vườn Hà Nội tổ chức ngày 9/12.
Toàn cảnh hội thảo.
Trong nghiên cứu về thực trạng ngành hoa, cây cảnh ở Hà Nội, PGS, TS Đặng Văn Đông - Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Tổng diện tích hoa, cây cảnh của Hà Nội năm 2018 là 5.484ha, trong đó, diện tích hoa là 2.200ha, sản lượng hoa 1.000 - 1.200 triệu cành; khoảng 1,3 triệu chậu cây cảnh. So với năm 1995, diện tích hoa, cây cảnh năm 2019 đã tăng 8,52 lần, giá trị sản lượng tăng gần 65,5% lần và mức tăng giá trị thu nhập là 7,8 lần. Tốc độ tăng trưởng này là rất cao so với các ngành nông nghiệp khác. Tuy nhiên, trình độ khoa học, công nghệ ở ngành này còn lạc hậu so với thế giới và khu vực. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật còn rất ít, chủ yếu là cán bộ trẻ, chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm.
Theo PGS, TS Đặng Văn Đông, Hà Nội cần nghiên cứu, phát triển sản xuất hoa, cây cảnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu phát triển sản xuất hoa gắn với chế biến thực phẩm, dược liệu, chiết xuất…

Cũng đóng góp giải pháp phát triển ngành hoa, cây cảnh cho Hà Nội, Chủ tịch Hội Làm vườn Hà Nội Đỗ Như Sưởng cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn xác định khoa học và công nghệ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, an toàn; nông nghiệp tuần hoàn; nông nghiệp không phát thải; nông nghiệp hướng tới làm giàu cho nông dân. Trên cơ sở bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhiều cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ trong nông nghiệp đã được tập trung hoàn thiện, nhiều tiến bộ và đổi mới để đưa khoa học và công nghệ thực sự gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho ra những sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phong trào khởi nghiệp sáng tạo, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội giúp tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia được củng cố; thị trường khoa học và công nghệ bước đầu gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ngành sản xuất hoa, cây cảnh nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung cần lấy khoa học, công nghệ làm động lực phát triển.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TSKH Trần Duy Quý - Chủ tịch hội Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam đã trình bày giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ và những kiến nghị trong bảo tồn, chăm sóc, nuôi trồng và kinh doanh hoa lan hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Công ty Weather Plus đã giới thiệu về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu khoa học và sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Kỹ sư Bùi Công Khê, Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới đã trình bày về việc triển khai ứng dụng vật liệu mới (chế phẩm Medipag-20, chế phẩm Polyme diệt khuẩn AD và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv-Eco) thân thiện môi trường để xử lý môi trường chăn nuôi, rác và nước thải trong sản xuất nông nghiệp và nông thôn.
Kết luận hội thảo, TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Hà Nội ghi nhận các ý kiến trình bày tại hội thảo, mong muốn kết quả của hội thảo sẽ lan tỏa đến các chi hội làm vườn và chăn nuôi trên địa bàn thành phố để có thể cải tiến, ứng dụng hiệu quả, góp phần phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô theo hướng an toàn và bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần