Chuyên gia giáo dục “bật mí” lấy điểm cao khi thi vào lớp 10

Bảo Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo nhiều chuyên gia giáo dục, chỉ còn vài ngày là đến kỳ thi, lúc này, các thí sinh có thể tranh thủ “lướt” lại các kiến thức căn bản và giữ gìn sức khỏe, tinh thần thoải mái.

Chuyên gia giáo dục khuyên các thí sinh cần chắt chiu từng 0,25 điểm một.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho hay, thời điểm này chỉ còn cách kỳ thi vài ngày, các kiến thức cần ôn cũng đã ôn xong, do vậy, ưu tiên hàng đầu với các thí sinh lúc này chính là trạng thái tâm lý ổn định và sức khỏe tốt. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần hạn chế tối đa gây sức ép lên các con trước khi bước vào kỳ thi.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Hồng, nếu thu xếp được, các thí sinh có thể ôn lại nhanh các kiến thức căn bản của 3 môn thi. Do 2 môn Văn, Toán có đến 120 phút làm bài, do vậy, khi vào kỳ thi, các thí sinh cần đặc biệt quan tâm đến thao tác đọc kỹ đề.
“Qua nhiều kỳ thi, vẫn còn nhiều trường hợp thí sinh chủ quan, đọc lướt đề, từ đó dễ quên đi nhiều chi tiết dẫn đến việc làm bài không đủ ý, hoặc đề bài hỏi A lại đi làm B, hoặc chưa xong hết ý A đã sang ý B” - bà Hồng phân tích.
Vốn là một giáo viên dạy Văn, Hiệu trưởng trường THCS Chương Dương cho rằng, mặc dù là môn xã hội, tuy vậy, thí sinh khi làm đề Văn cần tránh lan man, chỉ triển khai đủ ý và “đừng quên trình bày bài thi sạch sẽ, mạch lạc, tạo tâm lý thoải mái cho thầy cô giáo khi chấm bài”.
“Bật mí” phương pháp tối ưu hóa điểm bài thi, bà Lê Thị Chính - Hiệu trưởng trường THCS - THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: “Các thí sinh cần dành thời gian cho những ngày còn lại để nhận dạng đề thi, xem lại các kiến thức căn bản của từng môn học. Khi thi, các em cần biết cách phân bổ câu hỏi theo thời gian để tránh hoặc quá lan man hoặc quá tập trung vào một câu nào đó, từ đó dễ mất điểm ở các câu khác. Trước khi làm, các em phải đọc kỹ đề, chắt chiu từng 0,25 điểm một”.
Là một giáo viên dạy môn Toán, thầy Nguyễn Cao Cường - Phó Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, các thí sinh lúc này không nên quá ôm đồm hay quá lo lắng về kỳ thi. Do chỉ còn ít ngày, các kiến thức hay kỹ năng cơ bản đã hoàn thành. Giờ các em có thể ôn nhẹ lại các chuyên đề, dạng đề hay câu hỏi thường gặp để gợi nhớ.
Riêng môn Toán, thầy Cường cho rằng, các thí sinh có thể xem lại các nội dung như bài toán rút gọn và các câu hỏi phụ, hay giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình, hàm số bậc nhất, bậc hai, hệ thức Vi-et...
Để tránh mất điểm, thầy Nguyễn Cao Cường dặn dò: “Các em cần đọc kỹ và viết đủ thông tin trên giấy thi. Trong bài thi tuyệt đối không viết, vẽ, ghi những ký hiệu bất thường. Trước khi làm bài cần ghi nhanh ra nháp những ý tưởng. Có thể chọn những câu dễ làm trước nếu đề không thiết kế theo trình tự từ dễ đến khó. Và khi gặp câu khó, không nên dành quá nhiều thời gian để xử lý ngay mà hãy tạm gác lại, chuyển câu dễ hơn làm trước”.
Theo Sở GD&ĐT TP Hà Nội, học sinh dự thi vào lớp 10 không chuyên sẽ thi các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ vào ngày 17/7 tới. Riêng môn Toán sẽ thi vào sáng 18/7. Chiều 18/7 và sáng 19/7, những học sinh dự thi vào trường/khối chuyên sẽ thi các môn chuyên hoặc các môn thay thế theo lịch.
Thông tin về tỷ lệ học sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết, Hà Nội có gần 89.000 thí sinh dự thi, trong đó có khoảng 65.000 thí sinh thuộc chỉ tiêu (tương đương 62%) và năm nay các thí sinh sẽ không phải thi môn thứ tư như mọi năm, với các kiến thức đã được tinh giản do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần