Chuyên gia hiến kế ngăn dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội

Phương Nga - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 14/3, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức diễn đàn “Giải pháp phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn”.

Tính đến ngày 14/3, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện ở 17 tỉnh thành trong cả nước, tổng trọng lượng tiêu hủy là 500 tấn thịt lợn. Hiện dịch bệnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh.
Quang cảnh diễn đàn
Tại diễn đàn, Phó Giám đốc Trung tâm Chuẩn đoán Thú y Trung ương Ngô Văn Bắc cho rằng: Hiện nay chưa có Vaccine và thuốc điều trị được DTLCP, vì vậy đối với người chăn nuôi giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ là giải pháp hữu hiệu duy nhất hiện nay.
Đàn lợn khi nghi nhiễm bệnh DTLCP cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu xác định dương tính, không thực hiện điều trị lợn bệnh mà cần báo ngay chính quyền địa phương và thú y cơ sở để tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Chỉ nên lấy tối đa 5 mẫu tại một số ổ dịch bệnh, nghi dịch bệnh. Đối với lợn chết, nên lấy mẫu là hạch lâm ba bẹn, hạch dưới hàm. Đối với lợn còn sống (đang ốm, sốt) sẽ lấy mẫu máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0,5%.
Kiến nghị về giải pháp tuyên truyền về DTLCP, Trưởng phòng Khuyến nông Chăn nuôi và Thú y (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) Nguyễn Văn Hưởng cho rằng, cần tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên động vật, cần thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh diễn ra tại các địa phương trên các kênh thông tin chính thức để đảm bảo tuyên truyền một cách chính xác về tình hình dịch bệnh. Xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp với đặc điểm của từng nhóm bệnh trên động vật, ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương…
Tại địa bàn Hà Nội, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết, nguy cơ lây lan DTLCP trên địa bàn TP rất lớn. Bởi tổng đàn lớn, trong khi chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ… Tính tới thời điểm hiện tại, DTLCP đã lan rộng ra 6 quận, huyện gồm: Đông Anh, Sóc Sơn, Hoàng Mai, Long Biên, Quốc Oai và Gia Lâm.
Qua tìm hiểu nguyên nhân lây nhiễm bệnh ở một số quận huyện trên địa bàn TP chủ yếu là do việc lấy thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn. Vì vậy, người chăn nuôi không nên dùng những loại thức ăn này cho đàn lợn. Nếu có cần phải xử lý qua nhiệt để tiêu diệt vi rút DTLCP.
Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải phó phòng, chống DTLCP, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả để không lây lan diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu… Tăng thời lượng tuyên truyền bằng nhiều hình thức như thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, hệ thống truyền thanh, tờ rơi… để nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh hoang mang trong xã hội và đặc biệt để người dân hiểu đúng về dịch bệnh.