Sản xuất hàng dệt may tại Công ty May 10 |
Hiện năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và DN vẫn ở mức thấp so với khu vực và thế giới. Mức tăng trưởng phát triển DN có xu hướng chững lại từ giữa năm 2018 (năm 2018 chỉ tăng 3,48% về số DN và 13,77% về số vốn đăng ký; 4 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 4,8% về số DN và 31,66% về vốn đăng ký), trong khi số DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể có những giai đoạn tăng mạnh trên 30 - 40% so cùng kỳ. Nguyên nhân khiến hiệu quả kinh doanh của khối DN ngoài nhà nước chưa cao là do hạn chế về quy mô, công nghệ, quản trị điều hành DN.
Để tăng khả năng chống chịu cho DN Việt, chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng: DN phải chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng việc tuân thủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực theo các hiệp định FTA đã ký kết. Đồng thời tập trung đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển những ngành, mặt hàng có lợi thế. Chủ động nắm bắt thông tin và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế để chủ động đưa ra chiến lược phù hợp. Và phải nâng cao năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị tài chính, cấu trúc vốn và đòn bẩy tài chính.
Cũng liên quan đến tăng khả năng chống chịu cho DN Việt, tại hội nghị các chuyên gia kinh tế đề nghị trong thời gian tới Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành cần theo dõi sát sao, đánh giá tác động của diễn biến thương mại thế giới và xây dựng các kịch bản ứng phó chủ động, kịp thời…
Cùng với đó, phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại và giá cả. Đồng thời sớm ban hành Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và Chiến lược kinh tế số đến năm 2030.