Chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực: Tăng tính minh bạch trong quản lý nợ nước ngoài

Nha Trang (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm.

 TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)
Đồng thời, Moody’s điều chỉnh triển vọng xuống “Tiêu cực”, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: Việc xếp hạng tín nhiệm quốc gia bị điều chỉnh có tác động nhất định nếu Chính phủ Việt Nam và các DN Việt Nam tiếp tục vay nợ nước ngoài bởi lãi suất sẽ cao hơn.
Ông đánh giá thế nào về quyết định hạ xếp hạng tín nhiệm của Moody’s?
- Moody’s đã khuyến cáo với Việt Nam cách đây 2 tháng về việc có nguy cơ bị hạ triển vọng tín nhiệm. Hơn 2 tháng qua, Chính phủ Việt Nam đã làm một số việc nhất định để cải thiện. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị sẵn các nguồn lực tài chính để trả nợ nước ngoài đúng hạn, đầy đủ; đồng thời, chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô để giảm bớt những rủi ro tài khóa như nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ.
Tuy nhiên, có hai điểm Moody’s thấy Việt Nam chưa khắc phục được. Trước hết, Moody’s chưa thấy được giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý nợ nước ngoài, bao gồm cả nợ Chính phủ bảo lãnh. Thứ hai, Moody’s chưa thấy giải pháp để tăng tính minh bạch trong quản lý nợ nước ngoài.
Việc Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam và các DN?
- Tác động việc xếp hạng này có ảnh hưởng tiêu cực nhưng chưa phải lớn. Một số tác động nhất định như nếu Chính phủ Việt Nam và các DN Việt Nam tiếp tục vay nợ nước ngoài thì điều kiện sẽ chặt chẽ hơn và lãi suất có thể sẽ cao hơn.
Ngoài ra, các DN Việt Nam, bao gồm hệ thống ngân hàng mà Moody’s đưa vào diện theo dõi đều bị hạ triển vọng tín nhiệm. Như vậy, rõ ràng Việt Nam cần làm tốt hơn việc Moody’s và các tổ chức tín nhiệm khác đã khuyến nghị.
 Nợ nước ngoài của Việt Nam chủ yếu là vay nợ đầu tư cơ sở hạ tầng. Ảnh: Lam Thanh
Cũng trong lần xem xét triển vọng này, Moody’s đã hạ xếp hạng tín nhiệm 18 ngân hàng Việt Nam. Động thái này, theo ông, có chứng tỏ sức khỏe tài chính của các ngân hàng bị giảm sút không?
- Trần xếp hạng tín nhiệm của các ngân hàng tối đa là trần quốc gia. Do đó, khi trần quốc gia bị giảm, đương nhiên các ngân hàng cũng bị giảm chứ không phải hệ thống ngân hàng có vấn đề. “Nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”.
Sau thông cáo của Moody’s và các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết sẽ cùng các Bộ, ngành minh bạch thông tin để nâng cao triển vọng xếp hạng của Việt Nam theo đánh giá của Moody’s nói riêng và các tổ chức đánh giá, xếp hạng uy tín quốc tế nói chung. Ông đánh giá thế nào về động thái này?
- Theo tôi, việc Bộ Tài chính cam kết cùng các cơ quan liên quan cung cấp thông tin minh bạch và đưa ra các minh chứng thuyết phục về việc Chính phủ nghiêm túc thực hiện cam kết trả nợ là cách khắc phục tất nhiên phải làm; không làm không được. Tuy nhiên, sau phản ứng đó, cần có các động thái rõ ràng và hiệu quả hơn nữa để cải thiện tích cực vấn đề nợ công, từ đó, yêu cầu hãng xếp hạng tín nhiệm điều chỉnh đánh giá.
Các hãng xếp hạng tín nhiệm nước ngoài họ xem xét hành động cụ thể chứ không chỉ là việc hô hào hoặc đưa ra các chính sách chung chung. Chúng ta cần giải trình cụ thể, rút kinh nghiệm và cải thiện thực chất trong công tác quản lý để họ khôi phục xếp hạng tín nhiệm cho mình
Vậy, giải pháp nào để Việt Nam cải thiện triển vọng xếp hạng tín nhiệm quốc gia và DN, nâng cao uy tín trong mắt nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế?
- Như tôi đã nói ở trên, có hai điểm chúng ta chưa khắc phục được trong thời gian Moody’s cảnh báo. Theo đó, thứ nhất, Việt Nam cần có giải pháp cụ thể cải tiến quá trình phối kết hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan chức năng trong quản lý nợ nước ngoài, bao gồm cả nợ Chính phủ bảo lãnh. Thứ hai, phải tăng tính minh bạch trong quản lý nợ nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục có các giải pháp quản lý và phát triển nền tảng kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế nói chung và các DN, trong đó có hệ thống ngân hàng nói riêng.
Xin cảm ơn ông!

Ngân hàng phản ứng thế nào với hạ xếp hạng tín nhiệm?

Cũng trong lần xếp hạng tín nhiệm này, Moody’s đã điều chỉnh tín nhiệm của 18 ngân hàng thương mại gồm MBBank, ACB, VietinBank, Vietcombank, Agribank, BIDV, HDBank, TPBank, OCB, SeABank, SHB, LienVietPostBank, ABBank, MSB, Nam A Bank, OCB, Techcombank, VIB và VPBank. Theo Moody’s, động thái hạ triển vọng tín nhiệm của các ngân hàng thương mại Việt Nam lần này không phản ánh "sức khỏe" tài chính của các ngân hàng yếu đi mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của Moody’s với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. 

Ông Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho rằng, nếu nhìn vào nội bộ hoạt động của từng ngân hàng thì kết quả hoạt động kinh doanh, các chỉ số an toàn vốn... đều tốt lên. Như tại LienVietPostBank, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng năm 2019 dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với năm trước; đạt chuẩn Basel II trước thời hạn; nợ xấu được kiểm soát; triển khai thành công ngân hàng số...

Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá là một trong những thông tin tham khảo, chứ không phải thước đo nội lực của các ngân hàng. Bản thân các ngân hàng, quan trọng là hiệu quả kinh doanh, tỷ lệ nợ xấu, tăng trưởng tín dụng và đo lường tỷ lệ hài lòng của khách hàng...


Thông cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, đồng hành với Chính phủ, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách kinh tế, Bộ này cùng các cơ quan liên quan trong thời gian tới sẵn sàng cung cấp thông tin minh bạch và đưa ra các minh chứng thuyết phục về việc Chính phủ nghiêm túc thực hiện cam kết trả nợ. Qua đó, Bộ Tài chính tin rằng Moody’s, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng như tổ chức quốc tế khác sẽ có thông tin đầy đủ và cơ sở xác thực để đưa ra nhìn nhận đúng đắn, tích cực về hồ sơ tín dụng của Việt Nam.