Chuyên gia lý giải hiện tượng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi nóng như mùa hè

Trương Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ghi nhận, ngày hôm nay (9/2) nhiều địa phương phía Bắc có nhiệt độ trên 30 độ C, đặc biệt Mường La (Sơn La) lên tới 33 - 34 độ C.

 Ảnh minh họa
Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 10 đến ngày 11/2, khu vực Bắc Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù vài nơi, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng sớm trời lạnh.
Trong khi đó các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, có mưa vài nơi, sáng sớm có nơi có sương mù, trưa chiều trời nắng. Các tỉnh ven biển từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, phổ biến đêm không mưa, ngày nắng.
Còn tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ ngày 10 đến ngày 11/2, phổ biến đêm không mưa, ngày nắng, riêng miền Đông Nam Bộ có nơi nắng nóng.
Theo ghi nhận nền nhiệt độ tại các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ trong những ngày qua phổ biến dao động quanh 28 độ C - 30 độ C, ngày hôm nay (9/2) nhiều điểm trên 30 độ C, có những điểm như tại Mường La (Sơn La) lên tới 33 - 34 độ C.
Bà Lê Thị Loan - Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia trả lời TTXVN cho biết: Từ khoảng ngày 11/2 (mùng 7 Tết Kỷ Hợi) - ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, sẽ có một khối không khí lạnh nhỏ từ phía Bắc bổ sung xuống nước ta.
Nhiệt độ tại các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ sẽ có quá trình giảm nhiệt đáng kể, trời chuyển mát trong ngày 11/2, nhiệt độ cao nhất ngày chỉ phổ biến dưới 26 độ C.
Cũng theo bà Loan, thời tiết dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 khá nóng so với cùng thời điểm này nhiều năm, nguyên nhân chính gây ra trạng thái thời tiết nóng này là do khối không khí lạnh chi phối thời tiết Bắc Bộ suy yếu và không có đợt không khí lạnh tăng cường nào bổ sung trong những ngày qua.
Ngoài ra một khối không khí nóng ở phía Tây phát triển và tác động đến thời tiết các tỉnh miền Bắc khiến cho tình trạng nóng kéo dài hơn trong dịp Tết này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần