Chuyên gia "mách nước" cách cân bằng vị thế cho ông Trump khi gặp ông Putin

Lan Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối diện với một lãnh đạo nổi tiếng khôn ngoan và quyền lực, dạn dày kinh nghiệm chính trường như Tổng thống Nga cũng là bài toán khó cho ông Trump.

Cuộc gặp lần đầu giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị các nền kinh tế lớn G20 được dư luận thế giới mong đợi nhất từ trước đến nay bởi khả năng định hình cục diện thế giới thông qua quan điểm của hai nhà lãnh đạo về các hồ sơ "nóng" và cả cá tính mạnh của cả 2 nhà lãnh đạo.
Chìa khóa cho vấn đề Trung Đông
Đây là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo kể từ tháng 9/2015 khi cựu Tổng thống Obama và ông Putin gặp nhau tại Liên Hợp quốc. Với tư cách là lãnh đạo của 2 cường quốc, có vị thế và ảnh hưởng lên thế giới, kết quả cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Putin được cho là chìa khóa quyết định tương lai châu Âu và Trung Đông. Giới phân tích đánh giá, vận mệnh Syria sau khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị tiêu diệt, các biện pháp ngăn ngừa va chạm giữa lực lượng Nga - Mỹ ở Syria nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận. Trong một tuyên bố riêng cho giới truyền thông, đại diện Điện Kremlin cho biết, lệnh trừng phạt của Mỹ và các ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại song phương cũng là vấn đề Nga muốn thảo luận với Tổng thống Trump. 
 
“Lịch trình làm việc sẽ rất bận rộn”, Yury Ushakov - Cố vấn của Tổng thống Nga cho biết. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền hồi tháng 1, lãnh đạo Nga - Mỹ đã điện đàm 4 lần, trong đó, cuộc gọi gần đây nhất diễn ra hồi tháng 5 nhưng theo ông Yury Ushakov, các cuộc điện đàm là không đủ để cải thiện tình hình. Ông Ushakov nói thêm rằng cuộc gặp giữa 2 vị Tổng thống "cũng sẽ giúp duy trì ổn định và an ninh quốc tế".
Bài kiểm tra khó cho ông Trump
Theo các nhà quan sát, ông Trump hiện đang ở trong thế khó khi về đối ngoại, ông đã thất bại trong việc duy trì lời hứa nối lại quan hệ với Moscow. Tổng thống Putin hồi đầu năm phát biểu rằng, quan hệ Nga - Mỹ đã xấu đi hơn cả dưới thời cựu Tổng thống Obama. Trong khi đó, về mặt đối nội, ông Trump cũng phải đối mặt với sức ép từ dư luận xung quanh cuộc điều tra về việc liệu đội ngũ tranh cử của ông có hợp tác với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái hay không.
Ngoài ra, Thượng viện Mỹ trước đó đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo 98/2 để tăng cường các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Hạ viện dự kiến ​​sẽ bỏ phiếu cho các biện pháp này ngay sau cuộc họp giữa ông Trump và ông Putin. Do vậy, bất kỳ hành động nào của ông Trump tại cuộc gặp ở Hamburg để xoa dịu Moscow có thể gây ra những phản ứng dữ dội của giới tinh hoa chính trị của Washington.
Tuy nhiên, ông Trump có thể cân bằng vị thế bằng cách đưa ra một tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ đối với Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Theo giới phân tích, nếu đưa được ra một tuyên bố ủng hộ NATO tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga, ông Trump có thể truyền đi thông điệp rõ ràng rằng nước Mỹ của Trump không hề chịu ảnh hưởng từ Nga và Washington sẵn sàng hợp tác cùng NATO vì mục tiêu chung, qua đó trấn an các đồng minh. "Đó là lý do vì sao cuộc thảo luận về NATO vô cùng quan trọng", cựu trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ Jamie Rubin, nhận xét.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần