Năm 2017 đã trôi qua với nhiều biến chuyển về tiến trình thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa các nước ASEAN và Trung Quốc. Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ Gregory Poling đã chia sẻ quan điểm về tiềm năng hoàn tất đàm phán bộ quy tắc cũng như giải quyết vấn đề Biển Đông trong năm 2018.
Gregory Poling - Giám đốc Chương trình sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI), Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ. |
Ông có thể chia sẻ về tiềm năng thúc đẩy đàm phán COC và giải quyết vấn đề Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN trong năm 2018?
- Rõ ràng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi tháng 7/2016 đã ảnh hưởng nhất định tới các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên trong bối cảnh đó, chính quyền Philippines đã tỏ thái độ nới lỏng và Trung Quốc xem đó là cơ hội để vừa tiến lên trong mặt trận ngoại giao, đồng thời vẫn tiếp tục cải tạo và xây dựng trái phép tại các đảo đá trên Biển Đông. Do đó, những bước đi của Bắc Kinh vẫn không thể lường trước và họ vẫn có thể có động thái làm căng thẳng hơn tình hình khu vực.
Ý tưởng và nội dung của COC là rất tốt nhưng quá trình đàm phán COC vẫn còn tiềm ẩn rủi ro và mất nhiều thời gian. ASEAN nên tiếp tục giữ vững quan điểm lập trường và cần thực hiện các biện pháp song song khác trong quá trình đàm phán.
Các biện pháp song song đó là gì, thưa ông?
- Dễ thấy nhất là nâng cao năng lực các cán bộ, cơ quan thực thi pháp luật, các quốc gia ASEAN còn có thể mở rộng ra đối tác bên ngoài bên cạnh Mỹ như Nhật Bản, Australia. Bên cạnh đó, những quốc gia sát sườn và có yêu sách trên Biển Đông như Việt Nam và Philippines cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để câu chuyện COC thành hiện thực. Chúng tôi tin tưởng giải quyết tranh chấp lãnh thổ thực hiện song song với câu chuyện nghề cá và bảo vệ môi trường biển sẽ khiến vấn đề Biển Đông được giải quyết hiệu quả hơn. Ông đánh giá thế nào về khả năng Trung Quốc tham gia vào khung kế hoạch này?- Việc Trung Quốc có sẵn sàng tham gia vào bàn đàm phán với các quốc gia ASEAN rất khó dự đoán trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, việc đưa ra bản kế hoạch hành động này cũng như bất kỳ tài liệu tương tự sẽ đều gây áp lực cho Trung Quốc, đặc biệt là từ các quốc gia trong khu vực.
Năm 2018, Singapore sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN. Với tư cách là một quốc gia có quan điểm cứng rắn về vấn đề Biển Đông, ông có đánh giá như thế nào về tác động của việc này trong giải quyết vấn đề Biển Đông?
- Tôi tin tưởng Singapore với chính sách ngoại giao nổi tiếng khéo léo sẽ thực hiện hiệu quả vai trò điều phối trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Singapore lại không có yêu sách trực tiếp trên vùng biển này, do đó họ sẽ tiếp cận chủ yếu trên mặt trận ngoại giao và pháp lý, trong khi những nước có quyền lợi trực tiếp như Việt Nam, Indonesia, Philippines… sẽ phải tiếp tục tăng cường kết nối và theo sát mọi diễn biến trên Biển Đông.Xin cảm ơn ông!