Chuyên gia nói gì về kinh tế Việt Nam 2016 ?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế Việt Nam trong năm mới được nhận định sẽ có chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực bên cạnh đó làm thế nào để tận dụng được các FTA vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cần tận dụng được cơ hội từ FTA

Theo nhận định của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, bước vào năm 2016, Việt Nam sẽ bắt đầu bước chân vào hội nhập ở mức cao hơn so với mức hội nhập hiện nay. Có thể kể đến như thành lập Cộng đồng ASEAN, thực hiện FTA Việt Nam - Hàn Quốc, FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đang chuẩn bị được phê chuẩn, ngoài ra còn những FTA khác đang chờ đợi như Việt Nam-EU; TPP... Đây có thể nói là những vấn đề rất lớn, là bước ngoặt trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Chuyên gia nói gì về kinh tế Việt Nam 2016 ? - Ảnh 1
Theo Bộ trưởng Vinh, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta sẽ có thể mất việc làm “ngay trên sân nhà.”. "Tôi lấy ví dụ như việc tuyển chọn tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa qua. Nếu trước đây chỉ lựa chọn lao động trong nước thì bây giờ, Vietnam Airlines có thể tuyển chọn trong toàn khu vực ASEAN và đây sẽ là thách thức hiện hữu trước mắt"- Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh lấy ví dụ, FTA song phương Việt Nam-Hàn Quốc, thì cần chỉ ra được Hàn Quốc mạnh về cái gì và không mạnh điểm gì so với Việt Nam; tác động của Hàn Quốc đối với Việt Nam như thế nào khi FTA Việt Nam-Hàn Quốc mở ra; chúng ta có cơ hội gì khi xuất khẩu sang Hàn Quốc. "Tôi nghĩ rằng chúng ta đã làm được một số vấn đề cơ bản về thông tin đến doanh nghiệp, đến ngành hàng nhưng chúng ta chưa làm đủ những điều như tôi vừa nói", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, cần họp các hiệp hội lại và bàn với các doanh nghiệp, từ đó xây dựng những cơ chế chính sách thúc đẩy cho nội lực trong nước có thể tận dụng được những cơ hội mà FTA mang lại và có kế hoạch vượt qua những thách thức đó.

Về công tác xây dựng hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhìn nhận chúng ta chưa quan tâm đầy đủ và chưa có đủ luật mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển. Mặc dù đã ưu đãi rồi nhưng cần phải làm, làm nữa để cho doanh nghiệp yếu vực dậy, mạnh lên, trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam.

Vì vậy, Bộ KH&ĐT đã xây dựng nhiều luật; trong đó có nhiều luật tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Hiện Bộ đang soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để có được dự thảo đầu tiên đưa ra thảo luận về những chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

TS Trần Du Lịch: Triển vọng sáng cho nền kinh tế

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, từ năm 2016 trở đi, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng sáng sủa. Các mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5 đến 7% cho năm 2016 có thể đạt được nhưng phải cần có động lực mới để hoàn thành mục tiêu này.
Chuyên gia nói gì về kinh tế Việt Nam 2016 ? - Ảnh 2
Về chính sách tiền tệ, ông Lịch cho rằng, trong thời gian qua đã có những kết quả tích cực như góp phần ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ… Tuy nhiên, mục tiêu giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế vẫn còn khó. Trong điều kiện hiện nay, tất cả các nguồn lực tín dụng kể cả nhà nước doanh nghiệp đều dựa vào ngân hàng thương mại là chưa thật bền vững.

Để ổn định hệ thống ngân hàng, cần tiếp tục tái cấu trúc, tạo lập cơ sở để nâng cao quản trị phát triển mới. Nếu như không quyết liệt giải quyết những “điểm nghẽn” và không nâng cao kỹ năng quản trị sẽ khó thực hiện các mục tiêu ổn định hệ thống ngân hàng như đã đặt ra, ông Lịch phân tích.

Vị chuyên gia này cho rằng phải tái cơ cấu nợ công để giảm áp lực hàng năm cho vấn đề nợ công; trong đó kể cả phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, phải giải quyết đồng bộ giữa thị trường vốn, tức là thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm theo tinh thần tái cấu trúc. Hiện nay tất cả mọi gánh nặng đều đổ lên ngân hàng thương mại khi không thể nào giải quyết được bài toán về vốn.

Về chính sách tài khóa, theo ông Lịch, trọng tâm nhất là phải xem lại cân đối thu chi. Phải giảm cho được chi thường xuyên bằng các biện pháp; trong đó có cải cách hành chính.

TS Đặng Hùng Võ: Bất động sản sẽ có chuyển biến tích cực

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng năm 2016, thị trường bất động sản vẫn sẽ có chuyển biến tích cực. Dấu hiệu thể hiện ở các điểm như tổng dư nợ tín dụng bất động sản năm 2015 lên đến 342.000 tỷ đồng, trong đó phân khúc nhà ở chiếm đến 39%. Lượng tồn kho giảm mạnh trên từng phân khúc, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM.
Chuyên gia nói gì về kinh tế Việt Nam 2016 ? - Ảnh 3
Nhà ở giá trung bình và trên trung bình sẽ chiếm một nội dung chủ yếu của năm 2016. Trong đó phân khúc giá rẻ tức là nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ vẫn tiếp tục phát triển nhưng nó sẽ không trở thành giao dịch chủ yếu trên thị trường bởi sự tăng của phân khúc này còn phụ thuộc vào trợ giúp của Chính phủ vì vậy mà khả năng tăng cung của phân khúc này không nhiều và chỉ ở một mức độ nhất định như hằng số của các năm, ông Võ nhận định.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, phân khúc có sự tăng trưởng hơn chính là phân khúc trung bình và phân khúc cao cấp mới là phân khúc chiếm sự chủ đạo trong năm 2016. Đây cũng là điều khiến lượng giao dịch 2016 cao hơn năm 2015 nhưng những yếu tố mà đem lại sự đột biến cho thị trường chính là việc, dự án về bất động sản nghỉ dưỡng du lịch cũng có cơ hội tăng lên, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam đang ngày càng tăng.

Sự quan tâm này đến từ nhiều đối tượng khác nhau, từ các cá nhân tìm mua nhà mong muốn tận dụng Luật Nhà Ở sửa đổi, cho đến các quỹ tài chính lớn trong khu vực cũng như các quỹ đầu tư tư nhân tìm kiếm những thương vụ lớn. Đồng thời, tính thanh khoản tốt cũng đã thúc đẩy thị trường sôi động hơn, ông Võ phân tích.

TS Ngô Trí Long: Tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư an toàn

Trả lời câu hỏi đâu là kênh đầu tư sinh lợi tốt nhất trong năm 2016, TS Ngô Trí Long cho rằng, với những người không có nhiều kiến thức trong các lĩnh vực đầu tư khác thì kênh tiết kiệm vẫn là kênh an toàn bởi lãi suất chắc chắc không thể giảm thêm nữa.
Chuyên gia nói gì về kinh tế Việt Nam 2016 ? - Ảnh 4
Trong khi đó, thị trường chứng khoán cũng chưa có nhiều yếu tố sáng sủa, nhà đầu tư nên thận trọng. Còn về thị trường bất động sản, hiện đang trong giai đoạn phục hồi nhưng chỉ ở những phân khúc nhất định và với điều kiện kinh tế cũng như bối cảnh hiện nay cần phải thận trọng.

“Một số kênh đầu tư như đầu tư vàng coi như “chết" rồi, ngoại tệ cũng không để đầu tư được vì tới đây không những lãi suất tiền gửi USD về 0% mà thậm chí còn mất phí khi gửi. Đồng USD chắc chắn sẽ tăng giá so với tiền đồng nhưng với mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Nhà nước buộc phá giá nhưng sẽ trong mức cho phép", ông Long nhận định.

"Trong đầu tư, vấn đề là phải biết và tìm hiểu sâu chứ không nên theo tâm lý bầy đàn, đầu tư theo phong trào. Cũng cần nhận định, dự báo đầu ra của thị trường nữa. Đầu tư phải biết chọn chi phí cơ hội nhưng tuỳ mức độ, cái nào rủi ro cao cần thận trọng, với người đầu tư cần cắt lỗ đúng lúc chốt lời đúng lúc”, vị chuyên gia lưu ý.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: Kinh tế sẽ có khởi đầu thuận lợi

Theo ông Hiếu, tình hình thế giới đang có nhiều biến động tại thời điểm này. Về mặt tài chính, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất 0,25 phần trăm điểm sau 8 năm duy trì lãi suất 0% vào cuối năm 2015, đồng nghĩa với việc Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất ở mức độ mỗi lần 0,25% trong năm 2016 cho đến khi lãi suất USD đạt mức 1%.
Chuyên gia nói gì về kinh tế Việt Nam 2016 ? - Ảnh 5
Trong khi đồng tiền các nước châu Âu, châu Á đang mất giá thì đồng đô la Mỹ lại thêm hấp dẫn. Điều này khiến cho Mỹ thêm khẳng định vị trí hàng đầu của mình. Và trong bối cảnh đó Việt Nam đứng ở đâu? Việt Nam có quan hệ bền vững với Trung Quốc, với Nga. Nhưng thời gian gần đây có sự tăng cường quan hệ Việt Nam với Mỹ. Cũng trong năm 2015, Việt Nam đã chứng minh được nền kinh tế tăng trưởng hợp lý.

Vì vậy nhìn nhận của tôi, tiền đề 2016, khởi đầu thuận lợi, ông HIếu nhận định.